Ông Đỗ Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phú Bình thông tin: Xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức trong công tác DS-KHHGĐ, chúng tôi đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động và cung ứng dịch vụ DS - KHHGĐ trên địa bàn. Để thu hút người dân tham gia, Trung tâm đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng... Trung tâm cũng đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn duy trì các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, nói chuyện chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS - KHHGĐ. Đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Trong năm 2017, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phú Bình đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại các xã, thị trấn cho 3.500 người; tập huấn cho 140 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số. Tổ chức trên 1.450 buổi truyền thông nhóm nhỏ với trên 36.300 lượt người tham gia. Các cộng tác viên dân số đã thực hiện tư vấn tại hộ gia đình cho trên 4.500 lượt người, thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống loa đài phát thanh tại các xóm, xã…
Một trong những khó khăn lớn nhất huyện Phú Bình gặp phải trong công tác truyền thông là hiện nay, đa phần các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện đều đi làm trong các nhà máy, khu công nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận đối tượng này rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ DS-KHHGĐ xã Lương Phú (Phú Bình) chia sẻ: Chúng tôi phải tổ chức các buổi tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân vào ngày chủ nhật. Thêm nữa, Trạm phải chia công nhân thành các nhóm nhỏ hoặc đến tận hộ gia đình để tuyên truyền. Việc này khiến khối lượng công việc của các cộng tác viên dân số tăng lên rất nhiều trong khi phụ cấp cho họ lại thấp.
Nhằm hướng đến đối tượng là công nhân, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phú Bình đã có sáng kiến tận dụng mạng xã hội. Theo đó, thành lập 3 nhóm trên mạng xã hội: Nhóm của cán bộ Trung tâm với bí thư đoàn các xã, thị trấn và các cơ quan trực thuộc Huyện Đoàn; nhóm giữa cán bộ trạm y tế xã, thị trấn với bí thư các chi đoàn; nhóm giữa cộng tác viên dân số, bí thư các chi đoàn với công nhân. Mỗi khi có hoạt động, chính sách, thông báo về công tác DS-KHHGĐ, các nhóm đều nhận được và ngay lập tức chia sẻ thông tin cho nhau. Khi công nhân có thắc mắc cũng có thể trực tiếp gửi tin nhắn trong các nhóm để được giải đáp. Nhờ vậy, quá trình truyền tải thông tin về DS-KHHGĐ đã thu được hiệu quả tốt hơn, số lượng người nhận được thông tin đạt tỉ lệ trên 95% trong khi hầu như không tốn bất kì khoản chi phí nào. Trung tâm cũng phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện để thông qua các đội tự quản trong các nhà máy, khu trọ để tuyên truyền, vận động công nhân.
Được biết, những năm trước đây, huyện Phú Bình luôn là điểm nóng trên địa bàn tỉnh về vấn đề sinh con thứ ba trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh. Để giảm thiểu tình trạng này, Trung tâm DS-KHHGĐ đã chủ động phối hợp với các đoàn thể: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên đặc biệt là ở cấp xóm, đưa chỉ tiêu về DS - KHHGĐ vào hương ước, quy ước, nội dung xây dựng cơ quan văn hóa tại các đơn vị để vận động người dân thay đổi suy nghĩ. Chị Phạm Thị Thanh Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho hay: Qua thời gian triển khai, các làm này tỏ ra khá hiệu quả. Cùng với việc cộng tác viên dân số nắm bắt thông tin của các hộ gia đình có ý định sinh con thứ ba trở lên, việc các đoàn thể tham gia vận động cặp vợ chồng, bố mẹ của họ đã làm thay đổi ý nghĩ của không ít người.
Nhờ thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, chất lượng công tác DS-KHHGĐ tại huyện Phú Bình đã được nâng cao đáng kể. Năm 2017, huyện hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh giảm 0,25%o; tỷ số giới tính khi sinh 110 trẻ trai/100 trẻ gái giảm mạnh so với năm 2016 124, 7 trẻ trai/100 trẻ gái; số trẻ sinh ra là con thứ 3 giảm 12 trẻ so với năm 2016. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67%...
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về DS – KHHGĐ ở Phú Bình vẫn còn một số hạn chế như: truyền thông chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi của người dân một cách bền vững, nhận thức của người dân về vấn đề DS - KHHGĐ chưa cao; tập quán và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “đông con nhiều của” vẫn tồn tại trong cộng đồng. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ cho công tác DS - KHHGĐ còn hạn chế nên hoạt động truyền thông chưa có chiều sâu, còn hạn chế về nội dung lẫn hình thức... Trong thời gian tới, công tác truyền thông về DS - KHHGĐ của huyện Phú Bình sẽ tập trung ưu tiên các địa bàn có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, hướng đến các đối tượng có nguy cơ và tình trạng sức khỏe sinh sản kém, chủ động và đa dạng hoá mô hình, hình thức truyền thông, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện, xã nhằm đưa thông tin tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.