Phải tạo chuyển biến về ý thức
Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Làm thế nào để giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại, nâng cao trách nhiệm của các chủ cơ sở và người dân trong công tác PCCC?
Chia sẻ với báo chí (ngày 4/4), Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Để tăng cường được hiệu lực, hiệu quả PCCC đầu tiên phải tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức của cộng đồng, không phó mặc cho ai đó, tổ chức nào đó, mà trước hết người dân phải có ý thức, bởi tác nhân chính gây cháy là con người.
Chính vì vậy, phải nhận thức cháy nổ rình rập xung quanh ta, từ nhận thức thay đổi hành vi để phòng ngừa nó, ngăn chặn nó.
Ở nước ta, những năm qua, mỗi năm xảy ra khoảng 3 nghìn vụ cháy, gây hậu quả không nhỏ, vì vậy, chúng ta phải tìm giải pháp ngăn chặn nó. Nhiều người hay xem nhẹ, không chú ý đến vật cháy trong gia đình mình, việc sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt.
Lãnh đạo Bộ Công an luôn quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo kiểm tra sâu sát, nhưng các cơ quan chức năng không thể làm thay chủ đầu tư, làm thay ban quản lý, nhân dân, tất nhiên nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC, nhưng hiện nay chúng ta vẫn thiếu chế tài mạnh.
Lúc nghiệm thu tốt nhưng khi vận hành thì không hoạt động
Thứ trưởng Bùi Văn Thành cho biết, công tác phòng ngừa cháy nổ đang gặp một số khó khăn. Ví dụ quy định yêu cầu chủ các cơ sở doanh nghiệp phải tự kiểm tra công tác PCCC 3 lần/năm, nhưng thực tế nhiều đơn vị không tự giác chấp hành.
“Trong năm qua chúng tôi thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi đang báo cáo lại để làm thế nào thực hiện đúng theo Luật và yêu cầu các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục phối hợp kiểm tra. Đến khi thấy đủ điều kiện an toàn thì tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm để bảo đảm các hệ thống kỹ thuật hoạt động bình thường.
Đầu tiên, phải có Ban quản trị tòa nhà, các hệ thống kỹ thuật phải làm việc bình thường. Nhưng hiện tại lúc nghiệm thu tốt, nhưng quá trình vận hành thì hệ thống điện tử… không hoạt động hoặc báo giả làm người dân cố tình bịt nó đi, che nó đi” – Thứ trưởng nói.
Làm tốt 4 tại chỗ thì không thể có cháy lớn
Liên quan đến vụ cháy chung cư Carina vừa qua, Thứ trưởng Bùi Văn Thành cho biết: Các hệ thống chữa cháy tự động và bán tự động đối với tòa nhà Carina là có, nhưng chất lượng hoạt động của nó tại thời điểm cháy không tốt.
Vấn đề là nếu Ban quản lý dự án kiểm tra thì dứt khoát khi có cháy sẽ báo cháy như chuông kêu, đèn nháy, còi hú. Nhưng trên thực tế có hay không thì đang tiếp tục điều tra xác minh.
“Nếu có chuông kêu, đèn nháy, còi hú ầm lên, Ban quản lý tòa nhà chỉ cần sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu bằng bột, bằng bình khí thì tôi khẳng định rằng sẽ tắt. Nhưng do việc này không có hoặc có nhưng thiếu trách nhiệm nên đám cháy bùng lên đến lúc cái xe nổ, xăng chảy ra dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
Kể cả khi có cháy rồi thì phương tiện chữa cháy tự động bằng nước ở nhiệt độ 68 độ sẽ phải bung ra, nổ ra làm mát đám cháy, hạn chế đám cháy. Tuy nhiên, hệ thống này có hoạt động hay không cũng đang điều tra làm rõ.
Vấn đề thứ 3 là nếu hoạt động thì một người dân bình thường có thể vặn van, vặn vòi là có thể xử lý đám cháy. Nếu làm tốt 4 tại chỗ: Người dân tại chỗ, ban quản trị tại chỗ, phương tiện tại chỗ, công nghệ tại chỗ thì tôi khẳng định những đám cháy bé không thể thành đám cháy lớn”.
Công tác PCCC là của toàn dân, nòng cốt là cảnh sát PCCC
Về công tác PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, theo Thứ trưởng Bùi Văn Thành về nguyên tắc những nơi tập trung đông người, đặc biệt là những nhà cao tầng, siêu cao tầng khi có Luật PCCC, thì cơ quan chức năng PCCC phải thẩm duyệt các giải pháp PCCC, chủ đầu tư tổ chức thực hiện nó. Sau khi thẩm duyệt thì nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Và khi nghiệm thu bàn giao thì hệ thống đó đủ điều kiện sử dụng.
Nếu bộ phận quản lý duy trì hệ thống tốt thì khi có cháy xảy ra hoàn toàn có thể báo cháy nhanh và đã báo cháy nhanh thì mọi người biết xử lý. Nếu có cháy thì các hệ thống tại chỗ bằng nước, khí có thể xử lý được như tôi nói”.
Ở các nhà cao tầng, cháy thường xảy ra ở dạng kín thì sử dụng phương tiện bán tự động và người dân phải được huấn luyện, đào tạo để biết sử dụng các phương tiện.
Thứ trưởng khẳng định, đã được nghiệm thu thì đủ điều kiện. Nhưng để hiệu quả hoạt động thì phụ thuộc quá trình quản lý, quản trị giống như đồ đạc vật dụng trong nhà mình. Hệ thống cảnh báo nhanh là hệ thống điện tử, hệ thống chữa cháy như hệ thống bơm nước trong gia đình mình. Nếu trong quá trình vận hành mà không kiểm tra, bảo trì thì sẽ có trục trặc.
Xảy ra việc này thì trách nhiệm thuộc về Ban quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, người dân cũng phải hiểu biết hệ thống nơi chúng ta đang ở tình trạng như thế nào, được hiểu là có phương tiện báo cháy không.
Ở đây, trách nhiệm của Ban quản lý phải tuyên truyền để người dân biết. Pháp luật đã quy định phải tuyên truyền cho người dân biết tòa nhà nào bảo đảm đủ điều kiện an toàn và nguyên lý vận hành như thế nào. Việc tuyên truyền cho bà con thì mất thời gian, nhưng lực lượng PCCC đang kiên trì tiến hành.
Hiện tại vụ cháy ở Carina đã khởi tố vụ án. Với những vi phạm nếu đủ các yếu tố pháp luật đến mức phải khởi tố thì mới khởi tố được. Nhưng quan điểm chung, trước hết, Thứ trưởng khẳng định: Công tác PCCC là của toàn dân, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC.
“Chúng tôi giao cho các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan truyền thông vào cuộc tuyên truyền để người dân cùng nhau chấp hành tốt nội quy PCCC, ý thức trách nhiệm với chính mình, chính gia đình mình, cộng đồng dân cư nơi mình ở” – Thứ trưởng nói./.