Thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong năm 2017, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 625 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 124 nghìn cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%. Một thông tin đáng buồn là trong năm 2017, số trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tăng gấp đôi so với năm trước. Cụ thể, có 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc làm 24 người tử vong, trong đó có 11 người bị ngộ độc rượu, 10 người ngộ độc do ăn cá nóc, cóc… và 3 người do nguyên nhân khác. Dự báo trong năm 2018, số vụ vi phạm ATTP có nguy cơ gia tăng so với năm trước.
Còn tại Thái Nguyên, năm 2017 lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm ATTP, trong đó ngành Nông nghiệp và PTNT phát hiện 68 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, 91 trường hợp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; ngành Công Thương phát hiện 291 trường hợp vi phạm; Công an tỉnh phát hiện 36 trường hợp… Đáng chú ý, năm qua cũng ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh với 47 người mắc. Rất may, không có trường hợp ngộ độc nào bị tử vong.
Theo đánh giá chuyên môn, tình hình ATTP hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn hàng ngày lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn lén lút tuồn vào trong nước. Mặt khác, điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm, hạ tầng chợ nông thôn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ… còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được ATTP vẫn chiếm số đông. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn diễn biến khá nghiêm trọng. Yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả những điều này xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; nhiều trường hợp còn bất chấp quy định, chạy theo lợi nhuận, làm ngơ trước sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.
Thời gian qua, chúng ta đã chỉ rõ chủ thể chính gây ra tình trạng mất ATVSTP và không ngừng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm, song vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn chưa thể đẩy lùi. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân: việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATTP cho cả người sản xuất, kinh doanh lẫn người tiêu dùng của các cấp chính quyền lâu nay còn chưa nhiều; công tác xử lý vi phạm còn thiếu quyết liệt, chế tài xử lý chưa nghiêm; cộng đồng chưa thực sự trách nhiệm cùng lên án, tẩy chay thực phẩm không an toàn…
Việc chúng ta triển khai “Tháng hành động vì ATTP” lần này được xem là đã chỉ đúng đối tượng cần tuyên truyền, vận động. Tháng hành động là điểm nhấn trong năm, tạo ra đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn. Có 3 đối tượng để tuyên tuyền nhưng chủ yếu tập trung vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tổ chức “Tháng hành động vì ATTP” trong bối cảnh tình hình ATTP đang diễn biến phức tạp như hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP cho cả cộng đồng cần phải làm thường xuyên, liên tục, không chỉ quyết liệt trong thời điểm diễn ra Tháng hành động. Hơn thế nữa, đây phải được xem là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ của riêng ngành nào, cấp nào. Công tác tuyên truyền là rất cần thiết nhưng thực tế cho thấy đã đến lúc phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc và quyết liệt hơn đối với các trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng để tăng tính răn đe, giáo dục…