Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi Thú y T.P Thái Nguyên, trước khi thực hiện Đề án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trên địa bàn thành phố có hơn 300 hộ kinh doanh, sơ chế thực phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó có trên 180 hộ kinh doanh và giết mổ, trên 150 hộ kinh doanh tự do ngoài đường phố và các khu dân cư nhỏ lẻ. Thực tế các hộ kinh doanh này đều đăng ký, khai báo kinh doanh với chính quyền địa phương, nhưng hầu hết không đăng ký điều kiện kinh doanh với cơ quan chuyên môn (Thú y, hoặc Y tế, ATVSTP).
Ông Nguyễn Xuân Thạo, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y T.P Thái Nguyên cho biết: “Trong số hơn 300 hộ kinh doanh, sơ chế gia súc, gia cầm thì chỉ có khoảng 20 hộ chuyên giết mổ tập trung đủ điều kiện kinh doanh theo các yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Từ các điểm sơ chế này sẽ giao bán cho các hộ kinh doanh tại các chợ tập trung. Chuỗi kinh doanh này, cơ quan chuyên môn có thể chủ động kiểm soát được về ATVSTP. Tuy nhiên, số buôn bán tại đường phố, khu dân cư nhỏ lẻ và hoạt động buôn bán lưu động là rất khó kiểm soát. Nếu như trước khi thực hiện Đề án về kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thì lực lượng kiểm dịch viên gần như phải cầm dấu “chạy theo” thịt gà, thịt lợn mà kiểm soát không hết. Đặc biệt, thời gian làm việc chủ yếu về đêm, rạng sáng… rất vất vả mà hiệu quả không cao”.
Thực hiện Đề án quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh, đến nay trên địa bàn toàn T.P Thái Nguyên đã có 5 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với quy mô từ 30, đến 100 con lợn/ngày. Đây là đầu mối chính để phân phối, lưu thông trong chuỗi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Theo Đề án, toàn bộ các hộ kinh doanh thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm đều phải được tổ chức giết mổ, sơ chế tập trung tại các cơ sở được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động. Theo đó, lực lượng kiểm dịch viên sẽ trực tiếp giám sát và kiểm định chất lượng, xác minh nguồn gốc gia súc, gia cầm trước khi giết mổ, sơ chế và sau sơ chế đóng dấu bảo đảm đủ điều kiện lưu thông đưa vào kinh doanh, sử dụng… Đây cũng là chốt chặn cuối cùng để công nhận thực phẩm đảm bảo ATVS, đồng thời là nơi xác minh nguồn gốc, hỗ trợ cơ quan chuyên môn về y tế, dịch tễ phát hiện và ngăn ngừa các bệnh, dịch động vật hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Mặc dù mới triển khai kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bước đầu tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, và nâng cao nhận thức trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 50% số hộ chấp hành việc kiểm soát chất lượng thực phẩm thông qua các cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động. Nguyên nhân cơ bản là nhận thức vền ATVSTP của các hộ kinh doanh chưa cao, đa số các hộ cho rằng: Thực hiện việc giết mổ tập trung sẽ mất thêm chi phí, nên gia đình tự sơ chế, giết mổ, tận dụng thêm nguồn lao động trong gia đình. Một số hộ thì viện lý do: Kinh doanh nhỏ lẻ, điểm giết mổ vùng nông thôn, xa cơ sở giết mổ tập trung, hoặc khi đi mua gia súc, gia cầm thì thực hiện giết mổ luôn tại gia chủ chăn nuôi…Bà Trương Hà Nhi, chủ Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên cho biết: “Gia đình đầu tư gần 2 tỷ đồng dây chuyền giết mổ động vật khép kín, bảo đảm vệ sinh và thuận tiện cho các hộ kinh doanh trong khu vực đến làm dịch vụ, nhưng phần lớn là diện hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lại ở nông thôn, nên họ chưa quen quy trình quản lý và nhận thức về ATVSTP còn hạn chế, dẫn đến chưa thực sự hợp tác. Cơ sở sẵn sàng cho họ thuê, mượn địa điểm sơ chế, giết mổ, nhưng nhiều hộ vẫn tự chế biến tại gia đình”.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, việc tuyên truyền, vận động và kiểm soát ATVSTP tại địa phương rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền cơ sở. Đặc biệt, tại các khu dân cư, chính người dân cần nâng cao nhận thức hơn nữa không chỉ kiến thức về ATVSTP mà cả về kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn, hành vi kinh doanh thực phẩm an toàn.