Đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng: Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 1)
Cập nhật: Thứ hai 07/05/2018 - 15:28
Một buổi sinh hoạt của Hội thánh Lời sự sóng tại số nhà 22, tổ 11, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên.
Một buổi sinh hoạt của Hội thánh Lời sự sóng tại số nhà 22, tổ 11, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên.

Hiện có tới 6 tổ chức tôn giáo tự xưng và 4 nhóm sinh hoạt dưới hình thức tâm linh thâm nhập, lén lút hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh. Dù không có giáo lý, giáo luật chính thống, chức sắc tôn giáo tự phong và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động, nhưng các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh này vẫn giảng đạo, vẽ nên viễn cảnh hết sức hoang đường rồi dùng lời lẽ ngon ngọt để mê dụ những người nhẹ dạ, cả tin đi theo nhằm mục đích tư lợi...

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định: Một tổ chức được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo phải có đủ các điều kiện sau: Có sinh hoạt tôn giáo ổn định từ hai mươi năm trở lên kể từ ngày được UBND cấp xã chấp thuận sinh hoạt tôn giáo, không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo; Là tổ chức của những người có cùng niềm tin; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc, không trái với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật; Không thuộc tổ chức tôn giáo đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; Tên gọi của tổ chức không trùng với tên các tổ chức tôn giáo đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên các danh nhân, Anh hùng dân tộc; Có địa điểm hợp pháp để hoạt động tôn giáo; Có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong tổ chức và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Các tôn giáo chính thống trên địa bàn tỉnh gồm Công giáo, Phật giáo và các hệ phái Tin lành đã được Nhà nước công nhận hoạt động thuần túy luôn chấp hành quy định của pháp luật, không để xảy ra các biểu hiện thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số vùng trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng lợi dụng việc sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, ổn định xã hội.

Qua nắm bắt của lực lượng chức năng, hiện có các tổ chức tôn giáo tự xưng xâm nhập hoạt động trái phép và nhóm hoạt động tâm linh tại một số địa bàn trong tỉnh, gồm: “Pháp luân công”; “Tâm linh Hồ Chí Minh”; “Ngọc phật Hồ Chí Minh”; “Pháp môn diệu âm”; “Hội thánh Đức chúa trời”; “Văn hoá tâm linh vô sản Hồ Chí Minh” (gọi chung là tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép). Ngoài ra, tại T.P Thái Nguyên và một số địa phương khác trong tỉnh, lực lượng chức năng mới phát hiện thêm một số tổ chức hoạt động dưới hình thức tâm linh là: “Nhất quán đạo”; “Linh Sơn đạo”; “Đạo Ngài Trương”; “Đạo Long Hoa”...

Như vậy, có thể thấy tình hình hoạt động trái phép của các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh diễn biến hết sức phức tạp. Những đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép nêu trên đều nhắm tới các mục đích riêng tư, vụ lợi, hoàn toàn đi ngược lại với tư tưởng, tôn chỉ hành động của các tôn giáo chính thống tồn tại suốt chiều dài lịch sử như: Phật giáo, Công giáo...

Tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép thường tập trung đông người ở các khu vực công cộng để gây sự chú ý, phô trương thanh thế dưới hình thức rước lễ, luyện tập khí công. Ngược lại, số ít tổ chức tôn giáo tự xưng lại tỏ ra thần bí, hoạt động lén lút nhằm che mắt lực lượng chức năng vì có việc quyên góp tiền bằng nhiều hình thức. Sự nguy hiểm của các tổ chức tôn giáo tự xưng là truyền bá nhiều nội dung ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá, cổ vũ mê tín dị đoan, phản khoa học, như: bỏ bàn thờ tổ tiên, chữa bệnh bằng nước giếng, nước mưa; mắc bệnh không cần đi viện khám điều trị chỉ cầu nguyện, ngồi thiền, luyện khí công cũng hết, năng cầu nguyện không cần làm việc cũng có ăn và tư tưởng sống “bầy đàn”... Nguy hiểm hơn là có tổ chức tôn giáo tự xưng lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tư tưởng ly khai, chống đối cơ quan chức năng…

Hình thức, thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự xưng là tuyên truyền các nội dung góp nhặt, cắt dán, biến tướng trong Kinh Thánh, Kinh Phật và các bài viết, bài nói chuyện của một số danh nhân, người có uy tín nhằm thuyết phục người nghe, người đọc. Hay các đối tượng cầm đầu tự xưng tuyên truyền gắn với sự thật hiển nhiên của thế giới tự nhiên, như: thiên tai, dịch bệnh, hiện tượng kỳ bí mà khoa học chưa làm rõ... để tác động vào sự lo lắng, bế tắc của những người cả tin. Các đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự cho mình có quyền năng linh thiêng, có thể soi thấu tiền vận, hậu vận và làm thay đổi số phận con người để lừa đảo. Thâm độc hơn là đã có đối tượng lợi dụng thân thế, sự nghiệp, niềm tin tôn kính của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ chí Minh để lôi kéo, tuyên truyền người dân tham gia vào các tổ chức tôn giáo tự xưng. Mặc dù lấy tư tưởng, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lừa gạt nhưng những kẻ cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép này không biết rằng trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các tôn giáo nhưng kịch liệt lên án việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để tư lợi.

Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị: Các cơ quan, ban ngành, các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc tuyên truyền, ngăn ngừa các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép. Trong đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ, phân biệt được hoạt động tín ngưỡng và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, nhận diện và thấy rõ bản chất của các loại tà đạo, đạo lạ như trên để không bị lôi kéo, tin theo. Đồng thời, cơ quan, ban, ngành các cấp và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để thực hiện phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời phản ánh, tố giác hành vi lợi dụng tôn giáo, tin ngưỡng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông (Định Hoá) cho biết: Sau khi xuất hiện tôn giáo, tín ngưỡng tráii phép trên địa bàn, cấp ủy xã Linh Thông đã chỉ đạo chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tích cực tuyên truyền, phân tích để người dân thấy được những luận điệu phi lý, không có căn cứ khoa học để tránh hoặc không theo nữa. Đến thời điểm này, xã chỉ còn có 2 trường hợp tin theo tổ chức “Tâm linh Hồ Chí Minh”.

Nhóm đối tượng các tổ chức tôn giáo tự xưng hướng tới là người già, hưu trí, học sinh, sinh viên, người đau ốm, bệnh tật kéo dài; thậm chí cả một số đảng viên, cán bộ thiếu bản lĩnh cũng bị lôi kéo. Thời điểm nhiều nhất có khoảng 100 người dân ở các xã: Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vỹ, Kim Sơn và thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) tin theo 2 tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật là “Tâm linh Hồ Chí Minh” và “Ngọc phật Hồ Chí Minh”. Riêng xã Linh Thông có hơn 60 trường hợp, gồm cả ông Lưu Văn Ngô, nguyên Bí thư Đảng ủy xã đã bị kỷ luật Đảng, cách chức từ năm 2010. Bản thân công dân này khi được cán bộ chuyên môn trao đổi cũng đã hiểu vấn đề nhưng vì cố chấp nên vẫn theo tổ chức tôn giáo trái phép.

Trực tiếp đọc một số tài liệu do cơ quan chức năng thu giữ, chúng tôi nhận thấy tất cả những thứ gọi là “giáo lý”, “giáo luật” của tổ chức tôn giáo tự xưng đều không có nguồn gốc, không do tổ chức có tư cách pháp nhân phát hành. Hầu hết các tổ chức tôn giáo tự xưng khi đã lôi kéo được người tin theo sẽ chi phối, trói buộc bằng thần quyền, giáo luật, giáo lý trong đó có tư tưởng cố hữu tin nhất nhất làm theo lời “giáo chủ”.

Đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng đi tuyên truyền không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ đào tạo qua trường lớp về tôn giáo, thần học. Nực cười hơn là có đối tượng cầm đầu một số tổ chức tôn giáo chưa đến 30 tuổi, xuất thân là lao động tự do, kinh doanh thua lỗ hoặc đã tham gia bán hàng đa cấp, bán hàng trực tuyến bị truy quét không có nghề, không có tiền nên tìm cách lừa đảo thông qua hoạt động tôn giáo trái phép. Trong số này có Lương Văn Tường, quê ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) cầm đầu một nhóm “Hội thánh Đức chúa trời” từng hoạt động rất mạnh ở Thái Nguyên. Với nhiều chiêu thức, đối tượng Lương Văn Tường đã thu tiền của người tham gia hoạt động tôn giáo trái phép bằng cách bán tài liệu, nộp 1/10 thu nhập (số tiền đối tượng này thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng). Khi bị lực lượng chức năng của T.P Thái Nguyên kiểm tra hành chính và yêu cầu làm rõ việc thu tiền của nhiều người dân, Tường không lý giải được số tiền trên dùng vào việc gì, chi tiêu thế nào. Không có sổ sách ghi chép, khöng minh bạch tài chính nên một số người đã tham gia hội thánh nghi vợ chồng Lương Văn Tường sử dụng khoản tiền 1/10 thu nhập của họ đã nộp để chi tiêu sinh hoạt cá nhân chứ không chuyển tiền về “Tổng hội” như đã nói.

Có thể thấy những người cuồng tín bị lôi kéo tin theo các tổ chức tôn giáo tự xưng đều là nạn nhân vì mất thời gian, mất tiền, tin theo cái hư vô không khoa học và không thực tế, ảnh hưởng đến công việc, học tập, gây mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng. Ông Dương Văn Tiến ở xóm Đồng Cháy, xã Mỹ Yên (Đại Từ) bức xúc: Con trai tôi đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, khi bị lôi kéo tham gia sinh hoạt tổ chức tôn giáo tự xưng trái phép đã bỏ học đi làm để có tiền nộp hằng tháng. Tôi đã khuyên bảo cháu quay lại học tập nhưng không nghe, ngày càng lún sâu vào mộng mị. Gia đình đã có đơn tố giác với Công an T.P Thái Nguyên và mong muốn cơ quan chức năng sớm xóa bỏ các tổ chức phi pháp này để con tôi trở về với gia đình, tiếp tục học tập.

Có một thực tế là thời gian tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép dù dài hay ngắn đều đã có người gánh chịu hậu quả. Ví dụ như: Bà Nguyễn Thị Minh Loan (nguyên giảng viên của một trường đại học trên địa bàn tỉnh); anh Hoàng Văn Nam, tổ 10, phường Quán Triều (T.P Thái Nguyên); anh Lưu Văn Tường và chị Ngô Thị Diện, xóm Bãi Pháo, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) có con sinh đôi là Lưu Thị Vy, sinh viên năm thứ ba Khoa Tài Nguyên - Môi trường (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) và Lưu Thị Vân, công nhân Công ty TNHH Glonics bỏ học, bỏ việc...

Dự báo trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các tổ chức tôn giáo tự xưng vẫn có hoạt động tại các địa bàn trong tỉnh, chúng tiếp tục tác động vào các đối tượng đã lôi kéo như trên, đặc biệt là học sinh, sinh viên và công nhân. Nhưng trước sự cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng, các tổ chức tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động biến tướng dưới hình thức thành lập các nhóm tập thể dục dưỡng sinh hay tổ chức nghe giới thiệu về các sản phẩm, thực phẩm chức năng, tặng quà từ thiện... để tuyên truyền, lôi kéo. Do đó, để tiếp tục công tác phòng ngừa, ngăn chặn không cho các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị ba cấp trong tỉnh....

Nhóm P.V Nội chính