Cầu Đèo Ngà, xã Bình Long (Võ Nhai), hơn 4 tháng sau khi khởi công đã có hình hài rõ nét, đường dẫn hai bên cầu và một số hạng mục chưa hoàn thiện nhưng người đi xe máy đã có thể qua cầu. Dòng suối Cạn đang đón lũ đầu nguồn đổ về, nước dâng cao nhưng đôi bờ không còn bị ngăn cách như trước nữa. Xóm Đèo Ngà, nơi có đông đồng bào dân tộc Nùng và tỷ lệ hộ nghèo còn tới hơn 40%, bị chia cắt làm đôi bởi dòng suối Cạn. Một phần của xóm, hơn 40 hộ dân tụ cư ngay dưới chân một dãy núi đá vôi sừng sững, trước mặt là dòng suối.
Bao năm không có cầu, bà con chỉ biết “chôn chân” mỗi khi lũ lên cao, có việc “cực chẳng đã” thì phải đi bộ vòng xa. Chưa nói đến nhu cầu giao thương tất yếu, đường đến trường của học sinh nơi đây quả lắm gian nan. Lũ nhỏ thì bố mẹ cõng con qua suối, khi lũ lớn thì vài cháu đi vòng rồi đánh liều bò theo một ống dẫn nước để qua suối tới trường.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn cũ, ông Hoàng Văn Tỵ, người đàn ông có dáng vẻ lam lũ với những nét khắc khổ như hiện cả lên khuôn mặt, phấn chấn khi kể chuyện vụ này được mùa lúa, nông sản làm ra nhiều hơn mọi năm. Cầu mới lại sắp xong, ông bảo: “Mừng lắm các anh ạ. Nhớ lại cảnh mọi người phải giúp nhau khiêng xe máy qua suối, các cháu trèo ống nước đến trường, rồi có người đã chết đuối khi cố lội qua suối, mới thấy cây cầu này quý giá với chúng tôi thế nào. Giờ không còn khổ thế nữa, nước lên cũng chẳng lo nông sản ế ẩm như trước. Nhà tôi hiến mấy trăm mét ruộng để làm cầu đấy, tiếc đất nhưng có cầu vui hơn nhiều…”.
Cách sông, cách suối thì ai cũng mong ước có cầu để qua lại, bởi vậy mà cũng như xóm vùng cao Đèo Ngà, người dân ở đâu cũng vỡ òa niềm vui sướng khi được đáp ứng niềm khao khát rất chính đáng ấy.
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh anh Vi Văn Giang (xóm Bầu Ngoài, xã Tân Thành, Phú Bình) bế đứa con 4 tuổi đi đi lại lại trên cây cầu mới với vẻ mặt thỏa mãn kiểu như đi cho bõ bao năm mong chờ. Bà Nguyễn Thị Huyện, người cùng xóm bảo: “Lúc chưa có cầu, nước suối lên là chúng tôi phải vít ngọn phấn để bám vào mà đi. Cực lắm, cũng đã vài lần bà con bảo nhau góp tiền làm cầu, lần thì làm cầu khỉ, lần mua gạch, đá về xây một lối đi bộ nhưng hễ mưa to là bịnước cuốn trôi. Giờ có cầu tôi vui lắm, chả biết tả thế nào, đúng là giấc mơ thành hiện thực!”.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh: Do tính chất cấp thiết và ý nghĩa lớn về mặt dân sinh của Dự án LRAMP nên Ban đã cùng với các cơ quan và địa phương liên quan chủ động, tích cực triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình. Từ hiệu quả của Dự án và nhu cầu thực tế còn lớn, thời gian tới Ban sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư xây dựng cầu tại những vị trí cấp thiết/. |
Chị Lý Thị Xía, một người dân tộc Mông ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng (Võ Nhai): Trước đây đưa con đi học toàn phải dắt xe qua cầu thôi, hôm nào nước to không đi được thì cho chúng nó nghỉ học vì không dám qua cầu tạm này đâu. Giờ sắp có cầu mới mình vui lắm!. |
Cán bộ xã Phủ Lý (Phú Lương) và những công nhân xây dựng cầu Đồng Cháy vẫn nhắc lại câu chuyện dịp khánh thành cầungay trước Tết Nguyên đán vừa qua. Cả xóm vui như ngày hội, các tổ liên gia đều liên hoan mừng cầu và mời bằng được cán bộ và công nhân xây cầu đến dự. Rồi họ biếu những người xây nên cây cầu mà họ gọi là “lịch sử” ấy vài cái bánh hay nải chuối vườn thay lời cám ơn từ đáy lòng…
Cầu Đèo Ngà, Đồng Ngoài và cầu Đồng Cháy kể trên là 3 trong số 34 cây cầu (có tổng vốn đầu tư trên 112 tỷ đồng) đã, đang và sẽ được xây dựng tại những vùng khó khăn nhất về giao thông của tỉnh. Đây là những cây cầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (gọi tắt là LRAMP), từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và đối ứng của các địa phương.Như thấu hiểu nỗi vất vả, thiệt thòi, niềm khao khát của người dân, Dự án đầu tư những cây cầu nhỏ (vốn trung bình khoảng 3 tỷ đồng/cầu), dành ưu tiên cho những nơi khó khăn, bức thiết nhất về giao thông, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Việc triển khai Dự án LRAMP thời gian qua đã cho thấy sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (Ban)trong điều kiện gặp không ít khó khăn.Để phục vụ triển khai Dự án, cán bộ và chuyên viên của Ban đã cùng với một số cơ quan đi khảo sát ròng rã hằng tháng khắp các sông, suối trên địa bàn tỉnh, lắng nghe tâm tư, nhu cầu của người dân để đảm bảo xây cầu đúng những vị trí cần ưu tiên nhất, thiết kế xây dựng hiệu quả nhất và phù hợp với nguồn vốn vay có hạn. Dự án không có kinh phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, Ban đã đứng ra vận động một đơn vị quân đội chuyên ngành ủng hộ toàn bộ khâu này; vận động các nhà thầu ủng hộ và huy động sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong Ban để hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng nhiều về tài sản. Những công đoạn chuẩn bị đầu tư cũng được Ban vận động các đơn vị ủng hộ nên không phải sử dụng ngân sách…
Vì vậy, dù gặp không ít khó khăn nhưng hiện Dự án LRAMP tại tỉnh vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra (11 cầu đã hoàn thiện, 5 cầu mới khởi công, số còn lại đang được khảo sát, thiết kế).
Ngoài Dự án LRAMP, những năm gần đây, Thái Nguyên được thụ hưởng khá nhiều nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cầu giao thông (gồm cả đường tràn, cống hộp). Toàn tỉnh hiện có gần 500 cầu các loại, 6.816 cống và 171 ngầm, tràn. Riêng địa phương khó khăn nhất tỉnh là huyện vùng cao Võ Nhai, 2 năm qua đã huy động các nguồn vốn kiên cố hóa được 10 cầu tràn, xây dựng 85 cống hộp ngang.
Hàng nghìn người ở những vùng khó khăn về giao thông, vốn bị cách trở bởi sông, suối, đã được thỏa mãn ước mơ có cầu. Nhưng nhiều nơi, người dân vẫn khắc khoải chờ xây cầu, vẫn một nỗi lo khi mùa lũ lụt lại về…