Huyện Đại Từ hiện có trên 2.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm. Trong đó, 829 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và 1.299 cơ sở kinh doanh thực phẩm cùng với 517 cơ sở dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, do nhu cầu của người dân, nên thời gian gần đây, các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố xuất hiện nhiều hơn, tập trung ở các khu chợ, nhà dân, hay bày bán ngay tại các tuyến đường chính trung tâm huyện, một số xã, thị trấn. Đây là loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao, bởi theo nguyên tắc, thực phẩm đã nấu dễ nhiễm vi sinh gây hại, nếu để ở bên ngoài quá 2 giờ, nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay càng thuận lợi để vi khuẩn, vi rút sinh trưởng, phát triển, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch truyền qua thực phẩm. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là nhỏ lẻ, tình trạng thức ăn đường phố vi phạm các tiêu chí về ATVSTP vẫn còn nhiều. Nhất là các vi phạm về chế biến, bày bán không che đậy, cơ sở vật chất chật hẹp, chung với nơi sinh sống của gia đình, không đảm bảo các điều kiện bảo quản, chế biến, bày bán, nên tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao.
Xác định tầm quan trọng của công tác ATVSTP, nên thời gian gần đây, huyện đã tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về lĩnh vực này. Trong đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn ATVSTP. Cụ thể là, tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP, tập huấn tuyên truyền Luật ATTP và các văn bản liên quan cho lãnh đạo, cán bộ cấp huyện, cấp xã và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện với tổng số 6 lớp, trên 500 người tham gia. Ngoài ra, huyện đã thực hiện tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về nâng cao ý thức giữ ATVSTP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, căng treo các băng zôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi… Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Mỗi năm, huyện thực hiện cấp trên hàng trăm bản cam kết đảm bảo ATTP. Riêng năm 2017, đã ký được trên 500 bản cam kết. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 4 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.
Cùng với việc tuyên truyền, để hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đi vào nền nếp, đảm bảo các quy định, thì việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở phải được thực hiện một cách nghiêm túc và các sai phạm về lĩnh vực này phải được xử lý nghiêm khắc. Chính vì vậy, thời gian gần đây, huyện đặc biệt chú trọng công tác thanh, kiểm tra. Huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đồng thời phối hợp với Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP tỉnh, Đội Quản lý thị trường huyện… thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện và xử lý các vi phạm về ATTP. Chỉ tính trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội năm 2018, 25/30 xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra được 126 cơ sở kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm, từ đó phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định, trong đó chủ yếu là các lỗi chưa ký cam kết về ATTP với UBND xã, thị trấn. Đối với lỗi này, Đoàn kiểm tra đã đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở thực hiện ngay việc ký cam kết đảm bảo ATTP. Đặc biệt, thời điểm này, đang là giữa mùa nắng nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP, để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, huyện đang rà soát, lập danh sách thống kê và phân cấp quản lý các cơ sở, chủ hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kể cả các cơ sở nhỏ lẻ với tinh thần không bỏ sót một cơ sở nào. Qua đó nhằm quản lý, theo dõi và tổ chức cho các cơ sở ký cam kết thực hiện đảm bảo ATVSTP và các quy định của pháp luật.