Xóm Ao Sen được biết đến là vùng trồng rau màu truyền thống của huyện Phú Lương. Trước đây, bà con chủ yếu sử dụng lối canh tác lạc hậu, thô sơ, sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, bừa bãi đã gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước tình trạng đó, mô hình trồng rau an toàn theo hình thức tổ liên kết, tổ hợp tác được thành lập ở xóm Ao Sen với 8 hộ dân tham gia, tổng diện tích hơn2,8ha. Mùa nào thức ấy, thành viên trong Tổ trồng giống cây cho phù hợp, chủ yếu là rau xanh các loại, bắp cải, bí đỏ, cà chua, đậu cove… Tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP như: kỹ thuật làm đất, bón phân, phương pháp sử dụng thuốc trừ bảo vệ thực vật an toàn, tránh sử dụng tràn lan gây ô nhiễm môi trường, cách ly mầm bệnh, xóa dần tập quán sản xuất truyền thông lạm dụng phân bón, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh… Qua các lớp tập huấn cũng như tham quan các mô hình trồng rau an toàn trong và ngoài tỉnh đã giúp các thành viên tổ hợp tác thay đổi thói quen canh tác truyền thống vốn hình thành từ lâu, từng bước đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm rau sạch có chất lượng cũng giúp người dân yên tâm, phát triển bền vững và từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường.
Chị Đào Thị Thanh Hải, thành viên trong Tổ hợp tác rau an toàn Ao Sen cho hay: Gia đình tôi có 1 mẫu đất trồng rau. Tham gia vào tổ hợp tác, tôi được hướng dẫn cách làm đất tơi xốp, ủ mục và bón phân thay vì sử dụng phân tươi như trước đây. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng không bừa bãi như trước, mà tôi sử dụng thuốc phù hợp với từng loại rau, củ quả, đảm bảo thời gian cách ly chênh từ 3-5 ngày so với hạn thuốc ghi trên bao bì. Với một số loại sâu bệnh, tôi sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược tự chế từ rượu, gừng, tỏi, ớt. Nhờ áp dụng quy trình VietGAP, cũng như tự mình giới thiệu quảng bá cho thực phẩm sạch của gia đình, nên khách tìm đến mua đông hơn.
Ông Ma Văn Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Ao Sen cho biết: Trong quá trình sản xuất, tôi thường nhắc nhở, kiểm tra các thành viên trong tổ việc ghi chép về thông tin và các biểu mẫu để sử dụng phân bón, chất bổ sung, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, biểu mẫu mua hạt giống, cây con, kiểm tra đánh giá nguồn nước, hệ thống cung cấp nước tưới, mua hàng… Quá trình theo dõi như vậy giúp người dân trong tổ được trang bị kỹ năng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, nắm được các quy trình từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch; giúp người dân tiết kiệm được thời gian chăm sóc; hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không hiệu quả đáp ứng việc sản xuất nông sản an toàn, cung cấp cho thị trường trong huyện. Bản thân các hộ trồng rau an toàn sau khi tham gia vào tổ, được tập huấn kiến thức đều tự khuyên bảo nhau làm rau rạch trước tiên là phục vụ cho gia đình, sau đó là đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và giữ chữ tín với khách hàng.
Dù áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt như vậy, nhưng theo ông Hải quá trình thực hiện mô hình cũng gặp những khó khăn như: sản xuất rau lệ thuộc vào thời tiết, thị trường đầu ra chưa ổn định, sản xuất rau an toàn đã được cấp chứng nhận, song do chưa có thương hiệu rõ ràng nên sản phẩm rau an toàn khó cạnh tranh. Theo tính toán, mỗi năm, riêng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ao Sen cung cấp ra thị trường khoảng trên 200 tấn rau các loại. Song hiện người dân vẫn chủ yếu mang ra ngoài chợ, giá bán cũng chỉ bằng giá các loại rau bình thường, thậm chí còn thấp hơn. Một số hộ tự tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện.
Để rau an toàn của Tổ hợp tác sản xuất rau ở xóm Ao Sen tiêu thụ thuận lợi nhiều hơn, thì những người nông dân ở đây hi vọng trước mắt sản phẩm rau an toàn của Tổ sẽ được liên kết, ký kết theo thời vụ với các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ rau an toàn trong tỉnh. Đồng thời, mong muốn được các kênh truyền thông giới thiệu sản phẩm rau an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ.