Cập nhật: Thứ sáu 24/08/2018 - 15:38
Người dân sử dụng máy cấy lúa trên cánh đồng xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình).
Người dân sử dụng máy cấy lúa trên cánh đồng xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình).

Lâu nay, hình ảnh những chiếc máy cày, máy gặt chạy trên đồng, những người nông dân xếp mạ lên khay và nhịp nhàng đẩy cần gạt là có thể cấy lúa… đã không còn xa lạ với các làng quê trong tỉnh. Để góp phần đưa Nghị quyết lần thứ XIX của tỉnh về thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công TNHH Cường Đại và Hội Nông dân tỉnh triển khai hiệu quả việc hỗ trợ lãi suất vốn vay để bà con nông dân mua các loại máy móc phục vụ sản xuất.

Những ngày cuối tháng tám, chúng tôi có dịp đến xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên). Con đường bê tông đến xóm Hiệp Đồng như hòa vào màu xanh ngút ngàn của cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông. Ông Nguyễn Văn Thuyết, người dân ở xóm Hiệp Đồng khấp khởi đưa chúng tôi ra tận cánh đồng của gia đình để xem lúa được cấy bằng máy. Những cây lúa cho hạt rất đều, hàng lúa cách đều nhau tăm tắp từ 25-30cm. Ông Thuyết chia sẻ: Năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, đặc biệt là Ngân hàng NN và PTNT, tôi được hướng dẫn làm thủ tục vay 50 triệu đồng, với mức hỗ trợ 100% lãi suất trong thời hạn 2 năm. Nhờ có số tiền này, gia đình có thể mua chiếc máy cấy hiệu Bông Sen do Công ty TNHH Cường Đại phân phối. Chỉ trong 1 ngày, máy có thể cấy xong 2 mẫu ruộng bằng 5 người cấy so với thông thường, tiết kiệm được nhiều nhân công và chi phí.

Ngoài gia đình ông Thuyết còn có gia đình ông Nguyễn Ngọc oanh (xóm Hắng), ông Phạm Văn Huyên (xóm Hiệp Đồng) cũng được hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy cày, máy cấy và phay đất phục vụ sản xuất NN, với tổng số tiền trên 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Thỏa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Tiến nói: Khi áp dụng máy móc vào sản xuất NN thì các công đoạn trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa được đảm bảo kịp thời vụ và thuận lợi hơn. Nhờ đó, năng suất lúa cũng được nâng lên. Ví như vụ xuân năm nay, năng suất lúa toàn xã đạt 54,67 tạ/ha (tăng 0,97 tạ/ha so năm trước). Hiện nay, không chỉ xã Hồng Tiến mà 17 xã còn lại tại T.X Phổ Yên, mỗi năm, cũng có từ 3-7 hộ nông dân được hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy nông nghiệp.

Theo Quyết định số 497/QĐ-TTG về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, nay là Quyết định số 68/2013/QĐ-TTG về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH Cường Đại đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền tới người dân về chương trình hỗ trợ, hiệu quả của việc đưa máy móc, thiết bị NN vào sản xuất cũng như hướng dẫn người dân hoàn thiện các hồ sơ vay vốn để mua máy NN. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân khi mua máy nông nghiệp của Công ty TNHH Cường Đại phân phối sẽ được vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa, không tính lãi suất trong vòng 2 năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNN nói: Kinh phí hỗ trợ chương trình này được lấy từ nguồn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Mặc dù tổng dư nợ hằng năm từ việc hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân mua máy nông nghiệp không quá lớn (5-8 tỷ đồng), thế nhưng đã mang lại ý nghĩa thiết vì bà con có thể tiếp cận và đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Đối với Ngân hàng, thông qua chương trình này không chỉ tăng thêm số dư nợ, tìm kiếm các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn phát triển NN mà còn củng cố thêm niềm tin cho khách hàng… Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, không chỉ T.X Phổ Yên mà cả huyện Phú Bình, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Đại Từ cũng có nhiều hộ dân được hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy nông nghiệp từ chương trình này.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại (T.X Phổ Yên) thông tin: Mỗi năm, Công ty phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNN hoàn thiện hồ sơ cho 250-350 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh để được hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy nông nghiệp của Công ty với trị giá trên 5 tỷ đồng. Toàn bộ các máy nông nghiệp cung cấp ra thị trường đều mang thương hiệu Bông Sen của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ngoài chương trình này, hiện nay, Công ty còn áp dụng riêng chương trình hỗ trợ vay vốn 50% giá trị máy nông nghiệp và 100% lãi suất trong thời gian 6 tháng đối với nông dân khi mua máy nông nghiệp tại Công ty.

Mặc dù ty lệ người dân được hỗ trợ vốn vay mua máy nông nghiệp theo chương trình nói trên vẫn còn khiêm tốn nhưng việc triển khai có hiệu quả đã góp phần giúp cho người nông dân có điều kiện áp dụng máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, để chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về lợi ích của chương trình cũng như việc áp dụng máy móc vào hoạt động sản xuất; đồng hành, hướng dẫn người dân trong quá trình thực hiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất vốn vay để ngày càng có thêm nhiều người được hưởng lợi, có điều kiện đưa máy móc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Cường