Cập nhật: Thứ năm 06/09/2018 - 16:30
Từ năm 2017, gia đình chị La Thị Minh, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) bắt đầu chuyển đổi 8 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như ổi, nhãn.
Từ năm 2017, gia đình chị La Thị Minh, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) bắt đầu chuyển đổi 8 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như ổi, nhãn.

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, huyện Võ Nhai đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Trên con đường vào xóm Yên Ngựa, xã Lâu Thượng, chúng tôi được thỏa thích ngắm nhìn những vạt cây ăn quả nào na, cam, nhãn, bưởi... cây nào cây nấy sai trĩu quả. Dừng chân tại vườn nhãn ghép của gia đình ông Đỗ Thành Việt, chúng tôi thấy có thương lái đang đến tận vườn để thu mua. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Việt chia sẻ: Vài năm trước đây, hơn 1 mẫu ruộng này nhà tôi trồng ngô, mỗi năm cũng chỉ cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Từ năm 2011, nhà tôi đã chuyển đổi sang trồng nhãn. Vừa trồng chúng tôi vừa học hỏi kinh nghiệm cách phòng, trừ sâu bệnh cho nhãn và tiến hành ghép mắt giống nhãn miền Hưng Yên để cây cho năng suất cao, quả đẹp, dễ bán. Năm nay được mùa, gia đình tôi thu được khoảng trên 10 tấn nhãn (cao hơn năm ngoái 6 tấn), với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg thu về hơn 100 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa và trồng ngô.

Trao đổi với chúng tôi, anh Mông Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết: Tổng diện tích toàn xã hơn 40km2, bám dọc theo tuyến Quốc lộ 1B, chúng tôi xác định đây cũng là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế. Vì thế, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả, bà con đã tiến hành trồng các loại cây ăn quả như na, cam Vinh, nhãn... được khoảng 50ha. Hiện nay, chúng tôi cũng đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế khu trồng cây ăn quả tại xóm Yên Ngựa để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, làm đường bê tông vào tận khu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ nông sản.

Không chỉ có Lâu Thượng, thời gian qua, huyện Võ Nhai đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cụ thể, huyện đã phân vùng, xác định các cây trồng chủ lực; đồng thời, vận động bà con  tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình VietGAP; phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh như: Na La Hiên 300ha; bưởi Diễn, bưởi Hoàng ở xã Tràng Xá 200ha; quýt, ổi ở xã Phú Thượng 100ha...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện chỉ đạo tăng nhóm vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cơ cấu lại quy mô đàn lợn, phát triển đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng cao và các giống bò chất lượng cao và tăng tỷ lệ giống gà lông màu, gà bản địa. Các hộ dân cũng từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Anh Nguyễn Văn Minh, phụ trách cơ sở nuôi cá nước lạnh ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng cho biết: Tận dụng nguồn nước chảy ra từ hang Phượng Hoàng, với hơn 1.000m2 đất, từ năm 2009, chúng tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm các loại cá nước lạnh như: cá tầm, hồi, mú... Chúng tôi đã đầu tư hệ thống làm lạnh nước, hàng ngày có theo dõi nhiệt độ, nếu nước trên 22 độ C phải vận hành hệ thống lọc nước, làm mát nước để đảm bảo cho đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, cơ sở của chúng tôi nuôi khoảng 1.000 con cá hồi (giá bán 400.000 đồng/kg), 500 con cá tầm (giá bán 300.000 đồng/kg) và cá mú tầm 800 con (giá bán 1,2 triệu đồng/kg). Cá của chúng tôi xuất bán chủ yếu theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định mở rộng thêm 2.000m2 đất để nuôi trồng thủy sản nước lạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tuần hoàn của Isarel.

Có thể thấy, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, nông dân huyện Võ Nhai đã có sự chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang hình thành các vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi tập trung. Trong đó, có sự liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện và nâng cao. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 31,1% thì đến năm 2017 giảm còn 25,8% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều); 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã; 95% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; 89,4% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, Võ Nhai xác định tiếp tục tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phát triển nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Để đạt được các mục tiêu trên, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền Đề án và các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa các khâu, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; hỗ trợ xây dựng, đăng ký các thương hiệu nông sản thế mạnh của huyện...

Lương Hạnh