Cập nhật: Thứ ba 16/10/2018 - 10:02
Sạt lở đoạn đường qua xóm Việt Ninh, xã Lương Phú.
Sạt lở đoạn đường qua xóm Việt Ninh, xã Lương Phú.

Hiện nay, dọc 2 bên bờ sông Đào đoạn chảy qua địa phận huyện Phú Bình có nhiều điểm sạt lở, trong đó có những điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Có mặt tại khu vực xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, chúng tôi thấy 2 bên bờ sông có nhiều điểm bị sạt lở, trong đó nhiều đoạn đã ăn sâu vào mép đường, có đoạn sạt lở gây vỡ, sập ½ mặt đường khiến cho việc đi lại của học sinh, người dân gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Ông Nguyễn Đăng Giang, một hộ chăn nuôi trong xóm và ở gần điểm sạt lở chia sẻ: Khu này có khoảng chục hộ chăn nuôi, trong đó có 2 trang trại gà, lợn. Từ khi đoạn đường này bị lở, sập, người dân chúng tôi phải chở cám về nhà bằng xe cải tiến, xe máy vì ô tô không thể đi qua đây được. Như nhà tôi nuôi gần 2.000 con gà, chục con lợn nái, mỗi tuần lấy cám 1 lần nhưng cũng phải vòng đi vòng lại chục chuyến, rất tốn thời gian, sức lực. Chúng tôi rất mong ngành chức năng sớm có phương án khắc phục để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng xóm Việt Ninh, cho biết: Tuyến đường dài gần 1km này đã được người dân đối ứng tiền, đổ bê tông rộng 3 mét từ lâu. Xóm tôi có 155 hộ dân, 1/3 số hộ dân trong xóm thường xuyên phải đi lại trên tuyến đường này. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm lượt học sinh ở các xã Hà Châu, Kha Sơn đi qua con đường này để đến Trường THPT Lương Phú. Hiện nay, trên tuyến đường này có 4 điểm bị nứt, vỡ các mảng bê tông lớn, tình trạng này đã xuất hiện và kéo dài khoảng 2 tháng nay. Do có đông người qua lại, trong khi lối đi nhỏ, đường mấp mô nên có nhiều người đã bị ngã.

Tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ xảy ra ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, mà dọc tuyến sông Đào với chiều dài gần 26km, đoạn qua địa phận một số xã của huyện Phú Bình và T.P Thái Nguyên có gần trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ, có đoạn ăn sâu vào nền đường tạo thành hàm ếch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông như tại Km 0+100 trên tuyến DT 261E từ cầu Thủng đi xã Tân Đức; đoạn giáp cầu Úc Sơn 2 (thị trấn Hương Sơn) sạt lở rộng gần chục mét…

Trước tình trạng này, các đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương cũng đã thông tin tới người dân, căng dây cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Trao đổi với đại diện đơn vị trực tiếp khai thác, quản lý và vận hành sông Đào, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Phú Bình, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Nam Sông Thương (tỉnh Bắc Giang), cho biết: Sông Đào được xây dựng từ thời Pháp thuộc nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và giao thông. Nay với sự phát triển của đô thị kéo theo mạng lưới hạ tầng giao thông dọc 2 bên bờ sông Đào. Do nguồn vốn hạn hẹp nên hàng năm, chúng tôi chỉ triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy, đắp bù theo từng đoạn kênh. Trước tình trạng trên, chúng tôi đề nghị cấp trên sớm bổ sung kinh phí để triển khai sửa chữa, khắc phục sự cố. Trước mắt, với các đoạn sạt lở sâu, cục bộ trên các tuyến tỉnh lộ, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thiết lập phương án khắc phục khẩn cấp. Đối với các đoạn sạt lở ở xóm Việt Ninh, do đoạn đường này thiếu hệ thống mương, cống thoát nước nên gây thấm rò rỉ, sạt lở; khối lượng thi công lớn đòi hỏi kinh phí cao, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và người dân cùng tham gia đối ứng.

Ngọc Ánh