Cập nhật: Thứ hai 22/10/2018 - 10:47
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có mật độ phương tiện tương đối đông, tốc độ tối đa cho phép là 100km/h gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nếu không thực hiện nghiêm các quy định về tốc độ, khoảng cách giữa các xe.
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có mật độ phương tiện tương đối đông, tốc độ tối đa cho phép là 100km/h gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nếu không thực hiện nghiêm các quy định về tốc độ, khoảng cách giữa các xe.

Thời gian gần đây, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông từ va chạm nhẹ đến thương vong. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song nguyên do được dư luận cũng như các chuyên gia quan tâm lại liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Vì lẽ đó, yêu cầu đặt ra là tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm trên tuyến đường nói trên nhưng phải đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện và lực lượng chức năng.

Từ 2 vụ tai nạn trên cao tốc

Cuối tháng 11-2017, khi đối tượng Hoàng Văn Trường, sinh năm 1993, trú tại xã Yên Lãng (Đại Từ) chở Trương Văn Đạo (sinh năm 1994) đi vào đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Do không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe nên khi có tín hiệu dừng xe của Tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường này, Hoàng Văn Trường đã điều khiển xe đâm thẳng vào lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT). Cú đâm mạnh trực diện đã khiến Trung tá Trần Văn Vang, cán bộ của Cục CSGT (Bộ Công an) tử vong. Công an T.P Thái Nguyên sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Trường về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Sự việc đã khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài và chưa kịp lắng xuống thì cũng trên tuyến cao tốc này, tại Km25+600, ngày 15-9 vừa qua, tài xế của xe ô tô hiệu Lexus mang BKS 20L-8888 đã bị một xe tải đâm thẳng từ phía sau dẫn tới tử vong, khi dừng xe xuất trình giấy tờ theo hiệu lệnh của CSGT. Chiến sĩ CSGT cũng bị thương, hai chiếc xe hư hỏng nặng.

… đến những ý kiến không đồng tình

Điểm chung của 2 vụ tai nạn kể trên là đều liên quan đến việc thi hành công vụ của lực lượng chức năng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên nên dấy lên trong dư luận về việc nên hay không CSGT yêu cầu dừng phương tiện khi đang lưu thông trên cao tốc? Trên diễn đàn báo chí và mạng xã hội, không ít độc giả đã bày tỏ hai luồng quan điểm về vấn đề này và phần lớn ý kiến là không đồng tình.

Đơn cử như tài khoản mang tên “Cao tốc Nội Bài - Lào Cai” cho rằng: “Dừng và xử phạt trên cao tốc với tốc độ tối đa 100Km/h, vị trí tổ cảnh sát làm nhiệm vụ tại góc cua như vậy là quá nguy hiểm cho các bên”. Tài khoản “Trung Nguyen” đặt câu hỏi: “Sao không phạt ở các cửa ra hay phạt nguội là xong? Ô tô nào không đăng kiểm mà sợ trốn?...”. “Bất kể đêm khuya hay ban ngày, CSGT thường xuyên lập chốt tại các điểm gần các nút giao Yên Bình, Sông Công, Tân Lập…, nơi cung đường cua nhẹ và có độ dốc. Rất nguy hiểm!” - Tài khoản “Đức Khánh” cho hay. Ngay cả người đứng đầu Cục CSGT - Thiếu tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, sau sự việc xảy ra ngày 15-9, cũng khẳng định: “Trong trường hợp cần thiết thì CSGT phải hướng dẫn xe vào chỗ được phép đỗ. Đỗ chứ không phải dừng, được phép đỗ rồi lúc đó mới làm việc. Việc CSGT dừng là cái sai đầu tiên”.

Việc dừng xe trên cao tốc không phù hợp với quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, khoảng cách giữa hai xe theo Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chưa kể điều này còn khiến các phương tiện phải dừng lại đột ngột, nhiều khả năng gây tai nạn cho chính người đang điều khiển xe vì đang đi với tốc độ cao. Anh Nguyễn Hồng Hải, một lái xe thường xuyên di chuyển giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội, phân tích: Với vận tốc 100Km/h, thì theo Điều 12 của Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định phải chạy cách xe trước 70m. Tính ra mỗi giây xe chạy được 27,7m. Với khoảng cách 70m thì chỉ 2,5 giây sau là va chạm, không đủ để tài xế phản ứng. Khoảng cách an toàn 100m chỉ đúng khi hai xe đang chạy, hoàn toàn không đủ để áp dụng cho xe đang đứng yên. Nếu dừng xe đột xuất, tài xế xe trước thường không đủ thời gian để ra hiệu cho xe sau, giống như trường hợp xe hỏng và tai nạn sẽ xảy ra ngay tích tắc…

Theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực giao thông, hạ tầng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến nay vẫn chưa hoàn thiện theo chuẩn cao tốc, đoạn thuộc địa phận Thái Nguyên vẫn chưa có làn dừng khẩn cấp. Thêm vào đó, việc xuất hiện một số hằn lún cục bộ đã khiến tuyến đường ghồ ghề nên nếu không thực hiện nghiêm các quy định về tốc độ, khoảng cách rất dễ xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vẫn biết thi hành công vụ trên cao tốc là việc làm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thế nhưng, trước tình trạng vi phạm tràn lan trên tuyến như: Xe khách dừng đỗ không đúng quy định, điều khiển xe quá tốc độ cho phép, xe máy đi vào cao tốc… thì việc xử lý là điều không thể không thực hiện.

          Xử lý vi phạm cần linh hoạt, an toàn

Anh Trần Quang Khải, tài xế xe Limousine Hà Lan, người thường xuyên chạy tuyến cố định Thái Nguyên - Hà Nội cho rằng: “Nếu lực lượng chức năng lập chốt đề nghị đặt biển cảnh báo cách ít nhất 100m, tránh ra tín hiệu đột ngột gây khó xử lý. Cách hay nhất vẫn là phạt nguội”. Còn Thạc sĩ Luật Nguyễn Khánh Ly thì viện dẫn: “Tại Điều 5, Thông tư số 03/2016 của Bộ Công an, việc CSGT dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu: An toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật… Trên thực tế, khi phát hiện vi phạm, tổ tuần tra có thể có nhiều biện pháp thay vì dừng xe trên cao tốc như: Lưu hình ảnh từ camera giám sát, thông tin phương tiện để phạt nguội…

Được biết, ở nhiều nước trên thế giới, giải pháp xử lý vi phạm trên cao tốc đã có từ lâu và được đánh giá là phù hợp. Khi phát hiện tài xế vi phạm trên cao tốc, CSGT sẽ bám theo xe vi phạm từ phía sau. Lúc này CSGT sẽ ra tín hiệu nháy đèn, còi hiệu để yêu cầu dừng xe. Điểm dừng xe thường là trạm dừng chân, cây xăng hay các nút ra vào trên đường cao tốc, phải đảm bảo an toàn cho bản thân, CSGT và các phương tiện khác. Nếu chưa thấy chỗ đậu xe đủ an toàn thì xe của CSGT và xe vi phạm tiếp tục chạy cho đến khi tìm được vị trí thích hợp. Khi dừng lại, hai xe đều phát tín hiệu để các xe khác thấy, tài xế vi phạm có thể ngồi trong xe làm việc với CSGT…

Theo quan sát của chúng tôi, sau khi vụ tai nạn giao thông đối với xe ô tô hiệu Lexus xảy ra, lực lượng CSGT không còn lập chốt và tuần tra xử lý vi phạm trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tuy nhiên, khẳng định rằng việc xử lý vi phạm trên cao tốc là việc cần thực hiện và thực hiện thường xuyên, song để đảm bảo an toàn, chúng tôi thiết nghĩ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nên thay đổi phương pháp xử lý, cần đặt vấn đề an toàn trên hết. Về lâu dài, cần cải thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần được trang bị phương tiện, công nghệ hiện đại để hỗ trợ xử lý vi phạm trên đường cao tốc, tránh trường hợp phải trực tiếp đứng trên đường ra hiệu lệnh dừng xe xử lý, gây mất an toàn cho cả người tham gia giao thông và lực lượng làm nhiệm vụ.

Thu Huyền