Trường Tiểu học và Trường THCS Tân Lập (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) nằm cạnh nhau và sát Quốc lộ 3 cũ (tuyến đường có mật độ giao thông cao). Chỉ tính riêng Trường Tiểu học Tân Lập đã có gần 1.000 học sinh, lượng phụ huynh đưa đón con cũng xấp xỉ số đó nên vào những khung giờ trên áp lực giao thông khu vực cổng trường lớn. Trong khi đó, các cổng trường nằm sát Quốc lộ nên nhiều phụ huynh phải dừng đỗ xe dưới lòng đường khiến giao thông thường bị ùn tắc cục bộ. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này chưa được lắp đặt biển cảnh báo có trường học, chưa có đèn tín hiệu giao thông và gờ giảm tốc.
Theo thầy giáo Đỗ Xuân Kính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập, nhằm hạn chế tình trạng này, Nhà trường có một số giải pháp như: Quan tâm giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh để các em không những chấp hành tốt mà còn góp phần “tác động” để phụ huynh nâng cao ý thức về giao thông (ví dụ như các em sợ bị Nhà trường phạt nếu không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy); thỉnh thoảng cử bảo vệ và giáo viên tham gia điều tiết giao thông vào giờ cao điểm tại cổng trường; bố trí giờ tan học lệch nhau giữa các khối lớp… Tuy vậy, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ không giảm đáng kể. Nguyên nhân là ngoài những hạn chế, bất cập của hạ tầng giao thông trong khu vực, khuôn viên Nhà trường cũng hẹp nên việc bố trí cho phụ huynh chờ đón con em trong sân trường khó thực hiện. Cùng với đó, ý thức tham gia giao thông của nhiều phụ huynh chưa tốt.
Tình trạng ùn tắc cục bộ, nguy cơ mất an toàn và gây bức xúc cho người tham gia giao thông tại khu vực cổng Trường Tiểu học và THCS Tân Lập cũng là vấn đề nan giải chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh (cũng như cả nước) hiện nay. Có thể kể đến như: Trường Tiểu học Lương Sơn, Trường Mần non 19-5, Trường Tiểu học Trưng Vương, Trường THPT Đại Từ, Trường THPT Phú Bình, THPT Phú Lương...
Theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo, dọc các tuyến Quốc lộ qua địa bàn tỉnh có hơn 20 trường học, cổng trường thường nằm sát đường nênnguy cơ mất an toàn giao thông cao hơn những nơi khác.
Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ và nguy cơ mất an toàn giao thông tại các cổng trường, ngành Giáo dục đã quan tâm chỉ đạo các trường triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Giải pháp trọng tâm và lâu dài của Ngành là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn giao thông qua nhiều hình thức. Chỉ đạo các trường tích cực phối hợp xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; kiên quyết xử lý những vi phạm về giao thông của học sinh; phối hợp với hội phụ huynh tổ chức xe đưa đón học sinh… Theo ông Hưng, muốn giải quyết vấn đề này cần các giải pháp đồng bộ và lâu dài. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục vào cuộc thì khó có thể làm tốt mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các ngành chức năng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm khá hay để giảm thiểu tình trạng ùn tắc cục bộ và nguy cơ mất an toàn giao thông tại cổng trường. Ngoài một số trường triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” (THPT Chu Văn An, THPT Gang Thép, THPT Ngô Quyền…) có thể kể đến cách làm của Trường Tiểu học Kim Đồng (Đại Từ). Cụ thể, Nhà trường đã đề nghị địa phương giải phóng một khu đất gần cổng trường, sau đó tận dụng để kẻ thành các ô làm chỗ đỗ xe máy cho phụ huynh đưa đón con. Hay như Trường Tiểu học 915 (T.P Thái Nguyên) đã phối hợp với Hội cha mẹ học sinh xây dựng quy chế quy định hướng xe ra vào riêng để tránh ùn tắc…
Tuy vậy, số cơ sở giáo dục có cách làm hiệu quả như trên không nhiều, một phần do thiếu sự quan tâm thỏa đáng nhưng chủ yếu do điều kiện hạ tầng không cho phép. Và nguyên nhân được nhắc đến “muôn thủa” là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của không ít phụ huynh và học sinh chưa tốt.
Vì vậy những giải pháp khả dĩ cần được các cấp, ngành liên quan chú trọng triển khai tốt hơn, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm; giải quyết tình trạng bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường gần cổng trường; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông tại những khu vực còn hạn chế, bất cập; nghiên cứu, triển khai những cách làm phù hợp với từng cơ sở giáo dục; bố trí giờ học hợp lý để giảm áp lực giao thông…