Cập nhật: Thứ ba 27/11/2018 - 10:11
Giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên khảo sát kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới tại Trường THPT Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên).
Giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên khảo sát kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới tại Trường THPT Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên).

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước và hầu hết các huyện, thành phố, thị xã đều cao hơn mức bình thường (103-107 trẻ trai/100 trẻ gái).

Tình trạng MCBGTKS của tỉnh Thái nguyên diễn ra từ năm 2006 với tốc độ gia tăng nhanh. Tỷ lệ chênh lệch giới tính diễn ra tại các địa phương trong tỉnh, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2016 là 116,5); 9 tháng năm 2018 là 113,3 trẻ trai/100 trẻ gái.

Nguyên nhân là do tư tưởng trọng nam hơn nữ ở mỗi gia đình, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc bố mẹ khi tuổi già, cộng với thực hiện chính sách quy mô gia đình nhỏ đã tác động mạnh nhất tới các cặp vợ chồng. Nhận thức của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ liên quan tới việc lựa chọn giới tính khi sinh còn rất hạn chế.

Ở T.P Thái Nguyên, dù tỷ suất sinh thô chỉ chiếm 10 phần nghìn (trong khi các địa phương khác từ 16 đến 18 phần nghìn) song tư tưởng sinh ít con, các cặp vợ chồng sẽ tìm mọi cách để sinh con trai, bởi họ có điều kiện tới nơi có kỹ thuật cao hơn, kể cả ra nước ngoài. Vì vậy cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến tỷ số giới tính khi sinh ở T.P Thái Nguyên.

Trong 2 năm 2017-2018, công tác truyền thông, phổ biến các văn bản pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số, Nghị định 176 của Chính phủ ngày 14-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Luật Bình đẳng giới… được các địa phương triển khai đã góp phần nâng cao và nhận thức thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS.

 Ngành Y tế cũng đã tổ chức 655 cuộc hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho gần 43 nghìn lượt người tham dự. Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh phối hợp với T.X Phổ Yên tổ chức Chiến dịch điểm về MCBGTKS với hơn 1.000 lượt người tham dự; cấp huyện tổ chức chiến dịch truyền thông lưu động được 56 buổi với gần 18.200 người tham gia; cấp xã tổ chức tọa đàm tại xóm, tổ được 369 buổi. Các hoạt động truyền thông thường xuyên về MCBGTKS tại các xã với các nội dung: phổ biến văn bản nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp tuyên truyền lồng ghép về MCBGTKS vào các hoạt động của các đoàn thể; truyền thông nhóm nhỏ và lồng ghép các hoạt động của thôn xóm; tuyên truyền, tư vấn về MCBGTKS cho người dân, cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền tư vấn về giới và MCBGTKS cho các cộng tác viên dân số, cán bộ tư pháp; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và mới kết hôn; truyền thông nhóm nhỏ….

Công tác phối hợp lồng ghép vào hoạt động của các ngành, đoàn thể truyền thông về MCBGTKS cũng được thực hiện tốt: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình có lồng ghép nội dung bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho cán bộ từ cấp tỉnh tới cơ sở; chỉ đạo các cơ sở sửa đổi bổ sung nội dung về công tác dân số, KHHGĐ vào hương ước, quy ước của các thôn, xóm, bản, tổ dân phố và đã có 1.293 bản hương ước được sửa đổi, bổ sung, đạt 42,6%.

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Tỉnh đoàn Thái Nguyên tổ chức được 275 lượt tuyên truyền tới các đoàn viên, thanh niên về nội dung không lựa chọn giới tính thai nhi, bình đẳng giới và quan tâm đến cân bằng giới tính khi sinh.

Việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tới các cơ sở y tế được chú trọng và đã có 9 đơn vị y tế công lập, 4 cơ sở y tế tư nhân và 695 cán bộ y tế của các cơ sở y tế đã ký cam kết không lựa chọn, không thông báo giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Hình thức tuyên truyền công tác dân số, vấn để mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới thông qua các trang mạng xã hội ngày càng mở rộng, phù hợp với sự phát triển công nghệ và giới trẻ cũng dễ tiếp cận.

Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh trong hai năm gần đây có xu hướng giảm dần song chưa ổn định. Công tác truyền thông về MCBGTKS chưa tạo được sự chuyển biến sâu sắc về ý thức và tâm lý trong thực hiện chính sách dân số. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Đây là rào cản lớn trong quá trình tuyên truyền, vận động, các địa phương chưa tích cực tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới; hậu quả của việc MCBGTKS đối với gia đình và xã hội.

Làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh, theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh: Giải pháp quan trọng nhất là giải pháp truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Đây là giải pháp đòi hỏi sự kiên trì của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. Bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới đặc biệt là của các nước  trong khu vực đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc tình trạng MCBGTKS diễn ra từ rất lâu. Người ta cũng đi theo giải pháp truyền thông – có rất nhiều giải pháp mang tính thực thi pháp luật như xử lý, xử phạt, đình chỉ công tác… Tuy nhiên, không hiệu quả bằng phương pháp truyền thông thay đổi nhận thức.  Nên việc truyền thông để thay đổi nhận thức người dân cần được tăng cường.

Mai Phương