Cập nhật: Thứ sáu 25/01/2019 - 08:07

Hiện nay đang là cao điểm chuẩn bị thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và các lễ hội đầu xuân. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng trà trộn vào thị trường các loại thực phẩm thiếu an toàn. Bởi vậy, hơn lúc nào hết công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cần phải được siết chặn hơn.

Để đảm bảo thị trường dịp Tết thật sự ổn định và an toàn, từ rất sớm Cục ATTP (Bộ Y tế) đã liên tiếp có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các loại thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Trong đó chỉ rõ, các loại thực phẩm thường sử dụng với số lượng lớn trong dịp Tết là thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… nên các mặt hàng này cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Cùng với đó, ngành Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn vào thị trường. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định về ATTP, nhất là về nhãn mác, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Thực tế cho thấy, năm 2018, cả nước đã xảy ra trên 90 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 2.700 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong. Trong năm, lực lượng chức năng đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt nhiều tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP. Với Thái Nguyên, trong năm vừa qua đã có trên 250 đoàn thanh, kiểm tra ATTP các cấp, tiến hành thanh, kiểm tra hơn 6.700 cơ sở, phát hiện khoảng 1.442 cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh ATTP. Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 222 cơ sở, phát hiện vi phạm tại 42 cơ sở thực phẩm. Vi phạm chủ yếu của các cơ sở là chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường vệ sinh không đảm bảo; sản xuất, chế biến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng...

Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân, góp phần phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, cần thiết phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP; siết chặt công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh. Hơn nữa, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Do đó, cần phải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có nguy cơ cao về mất ATTP, các làng nghề chế biến thực phẩm… Kiểm tra cả hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Tập trung kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng, chống và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.

Tết đã cận kề, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái. Mỗi người hãy tự biết quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần chặt chẽ, thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua thực phẩm rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép đến nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng.

Nguyễn San