Trao đổi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị T, một trong các nạn nhân cho biết: “Tôi được một người bạn ở tỉnh Khánh Hòa gửi biếu con cá để ăn Tết. Cá được ướp lạnh và gửi theo đường hàng không. Chồng tôi mổ cá và sơ chế bình thường như các loại cá nước ngọt khác. Con cá khoảng 10kg nên gần như toàn bộ phần nội tạng của cá nhà tôi đều sơ chế để chế biến. Bữa tối hôm đó, sau khi ăn lẩu cá khoảng 2-3 tiếng mọi người đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, đau nhức mỏi cơ toàn thân, cá biệt có biểu hiện đờ môi, tê lưỡi… phải nhập viện gấp”.
Theo khuyến cáo của BSCKII Lê Hùng Vương, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Mọi loại thức ăn đều có thể gây ngộ độc. Tuy nhiên, đối với các loại hải sản hay gặp hơn ở 2 hình thái là do hải sản kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hóa chất bảo quản hoặc hải sản gây dị ứng. Nếu bị nhẹ sẽ gây dị ứng như các trường hợp nêu trên, nặng sẽ gây phản vệ có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, người tiêu dùng khi ăn thực phẩm (hải sản) chọn đồ còn tươi sống, rõ nguồn gốc. Để bảo vệ sức khỏe cần thận trọng với những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô.
Những người có cơ địa dị ứng thuốc (kháng sinh), thức ăn (nhộng ong, tằm, ba ba…) hoặc dị ứng hải sản cần chú ý khi ăn các loại hải sản khác. Khi lần đầu tiên ăn kể cả hải sản tươi sống, rõ nguồn gốc, nên ăn ít hoặc vừa ăn vừa theo dõi. Khi có các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, khó thở, nổi mẩm đỏ ngoài da, ngất xỉu phải đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị bằng truyền dịch, thuốc chống dị ứng, dùng kháng sinh. Đặc biệt, xác định xem có phải phản vệ không để cấp cứu tích cực kịp thời. Sau khi bị ngộ độc, nạn nhân cần tránh ăn loại hải sản khác, không uống bia rượu hoặc ăn các loại hạt nhiều dầu như đậu phộng, hạt điều... nhằm tránh tình trạng ngộ độc kéo dài hay trở nên trầm trọng hơn.