Từ đầu năm đến nay, chúng ta được chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích, dẫn đến không làm chủ được tốc độ. Gần nhất là vụ tai nạn xảy ra đêm 22-4, tại Hà Nội. Tài xế Đỗ Xuân Tuyên sau khi uống bia đã lái xe ôtô 7 chỗ gây tai nạn khiến chị Lê Thu Hà, công nhân môi trường đô thị Thủ đô đang làm việc trên đường Láng tử vong. Qua kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở.
Trước đó mấy hôm, tại tỉnh Bình Định, chiếc xe 7 chỗ hạng sang do tài xế Nguyễn Đức Huyện lái đã lao thẳng vào một đội dịch vụ tang lễ đang ngồi chờ ở đường Nguyễn Công Trứ, T.P Quy Nhơn khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở.
Tháng 2 vừa qua, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai (địa phận huyện Văn Bàn, tỉnh Yên Bái), tài xế Nguyễn Tiến Duy đã di chuyển xe ô tô lấn sang làn đối diện và đâm va với xe chở khách 16 chỗ. Vụ tai nạn khiến 12 người nhập viện, trong đó ba người tử vong và ba người khác bị thương nặng. Sau khi kiểm tra, nồng độ cồn trong máu của tài xế này cũng vượt ngưỡng cho phép.
Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, trong quý 1 vừa qua, cả nước ghi nhận trên 4.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 2.000 người, bị thương trên 3.000 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia là trên 270 vụ. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 814 lái xe ôtô.
Trước thực tế đáng báo động trên, tại văn bản góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất một giải pháp mang tính quyết liệt đó là tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Vì thực tế cho thấy, với mức xử phạt hiện hành dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.
Mức phạt mới được đề xuất cụ thể như sau: Với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, thay vì xử phạt từ 16-18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4-6 tháng như hiện hành thì sẽ nâng lên mức từ 34-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Ở mức vi phạm thấp hơn sẽ phạt tiền từ 18-20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14-18 tháng thay vì từ 7-8 triệu đồng và tước bằng lái xe 3-5 tháng như hiện tại. Riêng mức thấp nhất được giữ nguyên, tức là phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và tước bằng lái xe 1-3 tháng.
Với người điều khiển môtô, theo đề xuất, mức xử phạt cao nhất cũng tăng từ 3-4 triệu đồng và tước bằng lái xe 3-5 tháng lên mức 7-8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Được biết, cùng với động thái tích cực của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mới đây, Bộ Công an cũng đã ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các địa phương, đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm theo kế hoạch. Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 20/12/2019.
Như vậy, có thể thấy việc đề xuất tăng nặng các hành vi vi phạm nồng độ cồn là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, để giải quyết được tận gốc vấn đề, điều quan trọng hơn cả vẫn là giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trong quá trình sát hạch, cấp bằng lái xe.