Cập nhật: Thứ sáu 24/05/2019 - 10:25

Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài gần 40km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 60-80km/h, quy mô 2 làn xe cơ giới. Dự án này được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco4), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Trường Lộc Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuyến đường đi qua 4 xã của tỉnh Thái Nguyên và 2 xã của tỉnh Bắc Kạn. Từ khi đưa vào sử dụng, tuyến đường đã giúp người dân của 6 xã thuộc 2 tỉnh thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, giảm áp lực cho Quốc lộ 3 cũ…

Để thực hiện Dự án này, ngay khi triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Ban Chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa của Dự án tới toàn thể nhân dân. Cấp ủy, chính quyền của các địa phương có tuyến đường đi qua đã rất nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, vận động những hộ dân bị ảnh hưởng để tiến hành thống kê, kiểm đếm tài sản và chi trả tiền đền bù. Toàn bộ Dự án này có 1.667 hộ dân chịu ảnh hưởng (tỉnh Thái Nguyên có 1.182 hộ; tỉnh Bắc Kạn có 485 hộ). Sau khi những khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư được tháo gỡ, liên doanh nhà đầu tư đã đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và đến giữa năm 2017 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đã thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác sử dụng

Xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) là điểm đầu và được hưởng lợi nhiều nhất khi tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi qua các xóm: Sơn Cẩm 6, Bến Riềng, Quang Trung 1, Thanh Trà 1 với chiều dài 4,3km nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương. Nhất là tại 2 nút giao cắt tại xóm Sơn Cẩm 6 và Quang Trung 1, dịch vụ thương mại phát triển khá sầm uất. Ông Nguyễn Sĩ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết: 1/3 số xóm trong xã được hưởng lợi từ khi tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đưa vào khai thác, sử dụng. Người dân đi xe máy, xe đạp về T.P Thái Nguyên không mất phí và gần hơn được 500m so với đi ra phía Quốc lộ 3 cũ.

Đặc biệt tại xã Yên Lạc (vùng khó khăn nhất của huyện Phú Lương) từ khi tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới thông xe đã không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình đi lại mà kinh tế của địa phương cũng có sự chuyển biến tích cực. Các sản phẩm nông sản của người dân xã Yên Lạc sản xuất ra thời gian gần đây được tiêu thụ nhanh và giá cũng cao hơn. Giá các loại vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng bán đến người dân xã Yên Lạc cũng rẻ hơn do giảm chi phí vận chuyển. Đặc biệt, quỹ đất trồng rừng rộng lớn ở xã Yên Lạc và cảnh quan của những dãy núi đá hùng vĩ đã trở nên có giá trị khi phong trào trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại và du lịch sinh thái ngày càng phát triển.

Đồng chí Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Tuyến đường  Thái Nguyên - Chợ Mới đi qua 3 xóm: Mương Gắng, Đồng Xiền và Cây Thị nên đã giúp địa phương thuận lợi cả hai chiều về T.P Thái Nguyên và ngược lên tỉnh Bắc Kạn. Sau khi tuyến đường này đưa vào khai thác một hộ dân đã tận dựng quỹ đất sẵn có và cảnh quan để xây dựng điểm du lịch sinh thái mang tên “Thung lũng tình yêu” và thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan. Tiếp đến là một nhà đầu tư của Thái Lan đến địa phương đề nghị đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và dự kiến triển khai vào tháng 8 tới. Một số quỹ đất xen kẽ với những dãy núi đá vôi hai bên đường Thái Nguyên - Chợ Mới cũng có nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án nuôi dê lấy sữa. Chúng tôi tin với tiềm năng sẵn có và giao thông thuận lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội để người dân địa phương phát triển kinh tế.

Đối với 2 xã Vô Tranh, Tức Tranh, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đã “khai sáng” cả vùng nông thôn rộng lớn. Ngã tư Vô Tranh nhanh chóng phát triển dịch vụ thương mại và chắc chắn không lâu nữa sẽ trở thành thị tứ năng động. Tận dụng lợi thế này, anh Nguyễn Việt Hoàn ở xã Vô Tranh đã đầu tư nuôi đà điểu với quy mô lớn để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp gắn với dịch vụ thương mại. Anh Hoàn cho biết: Từ khi có tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, khoảng cách từ T.P Thái Nguyên đến xã Vô Tranh rút ngắn được 6km so với đi đường cũ và đường rộng, thoáng nên đi lại rất thuận lợi. Do vậy, gia đình tôi sẽ từng bước đầu tư mở rộng quy mô gia trại, nuôi đà điểu theo quy trình thực phẩm sạch, tiến tới mở nhà hàng và phân phối các loại thực phẩm chế biến sẵn từ thịt đà điểu…

Gần 40km đường Thái Nguyên - Chợ Mới được thực hiện theo mô đường cao tốc (vận tốc từ 60-80km/h) từ chủ trương xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào phát triển hạ tầng đã thực sự có giá trị, từng bước làm thay đổi những vùng nông thôn hai bên đường. Khi cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả, đồng bộ, đúng pháp luật thì những tuyến đường đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước như tuyến đường Thái Nguyên - Chợ mới sẽ đạt được nhiều lợi ích, nhất là đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, hạ tầng giao thông còn khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc.

Văn Hiến