Cập nhật: Thứ sáu 14/06/2019 - 16:44

Trước hết, cho phép tôi được thay mặt Ban Biên tập và toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi có dịp được trao đổi tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc năm 2019 với tham luận có nội dung “Kinh nghiệm chia sẻ “hơi thở” cuộc sống từ các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ Thành phố”.

Thưa các đồng chí!

Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Báo Hànộimới luôn ý thức rất rõ về vai trò, vị trí, chức năng định hướng dư luận trong hoạt động của một cơ quan báo chí, đặc biệt là với tờ báo Đảng địa phương của Đảng bộ có hơn 3.000 tổ chức cơ sở Đảng, với số đảng viên lớn nhất cả nước. Trước hết, về nhận thức, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền những sự kiện chính trị, sự kiện "nóng" trên địa bàn thành phố, Báo Hànộimới chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuyên truyền các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ Thành phố tới bạn đọc.

Kính thưa các đồng chí

Từ khóa XV Đảng bộ thành phố Hà Nội trở về trước, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thường ban hành 2-3 nghị quyết chuyên đề nhằm giải quyết các vấn đề mới, “nóng” từ thực tiễn. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 2015-2020 (khóa XVI) Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xây dựng 4 nghị quyết chuyên đề, gồm:

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm cụ thể về phát triển du lịch Thủ đô. Trong đó, đặt chỉ tiêu cụ thể là, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60-65%.

Tuy nhiên, đến hết năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 5,74 triệu lượt, khách trong nước đến Hà Nội ước đạt 26,04 triệu lượt. Với kết quả này, ngành Du lịch Hà Nội đã cán đích sớm 2 năm so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 06-NQ/TU.

- Nghị quyết số 08/NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ, cũng như tạo thuận lợi hơn cho nhân dân, chẳng hạn tạo điều kiện và khuyến khích người dân nhận tiền đền bù để tự chọn nhà tái định cư; hay như thành phố sẽ ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các diện tích nhỏ lẻ, xen kẹt… đột phá trong cơ chế chính sách về đền bù, huy động xã hội hóa xây dựng nhà tái định cư, tạo cơ chế thông thoáng trong giải phóng mặt bằng…

- Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết đặt mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường không khí; tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và làng nghề nông thôn; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, thành phố đã xử lý ô nhiễm nguồn nước tại 132 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét bùn ở 118 hồ; triển khai cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm và nạo vét bùn ở một phần hồ Tây. Thành phố đã hoàn thành chương trình trồng 1 triệu cây xanh và phấn đấu trồng thêm 600.00 cây xanh từ nay đến năm 2020. Hà Nội đã hoàn thành nghiên cứu và đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố gồm 34-37 trạm; đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và công bố công khai kết quả... 

- Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Nghị quyết ra đời từ việc rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố vẫn còn có khoảng 200 vụ, việc phức tạp ở các mức độ khác nhau trên địa bàn hơn 100 xã, phường, thị trấn cần được quan tâm, giải quyết… Với sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị, đến ngày 15-3-2019, toàn thành phố đã giải quyết và đưa khỏi danh sách 111 vụ việc và củng cố xong 14/77 tổ chức cơ sở Đảng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở những nơi có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kính thưa các đồng chí

Từ các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy, việc làm thế nào để đưa các chủ trương, chính sách này vào cuộc sống là điều được Ban Biên tập Báo Hànộimới đặc biệt quan tâm và đặt ra yêu cầu đối với các Ban chuyên môn. Đó là, Hànộimới xác định thông tin trên các ấn phẩm (Hànộimới hằng ngày, Hànộimới cuối tuần, Hànộimới điện tử và Hà Nội ngày nay) phải là thông tin hai chiều:

  1. Đăng tải những thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tác động tới xã hội.
  2. Cách thức triển khai ở cơ sở và phản ứng của xã hội đối với những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đó.

Từ đó, mỗi bài viết của Hànộimới đều thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước, thành phố, phản ánh tâm nguyện của nhân dân, hơn hết là truyền đi thông điệp của sự thật, bản chất của mỗi sự việc, hiện tượng, vấn đề diễn ra hàng ngày, hàng giờ, giúp bạn đọc có cái nhìn xác thực, toàn diện hơn. Ngoài ra, Báo cũng phải chủ động, tích cực tham gia cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết những việc mới, việc nóng, việc khó như công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, xây dựng nông thôn mới…

Có thể khẳng định, Báo Hànộimới thời gian qua đã thường xuyên bám sát các nghị quyết chuyên đề của Thành phố qua từng bài viết, từng số báo và trên các ấn phẩm. Với cách thức thể hiện phong phú, đa dạng, bao gồm tất cả các thể loại báo chí như: Tin, ảnh báo chí, bài phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận (phê phán các luận điệu sai trái)… chúng tôi đã góp phần quan trọng đưa các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020 luôn bám sát “hơi thở” cuộc sống. Có thể kể ra đây một số kinh nghiệm, cách làm như sau:

Trong tuyên truyền Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Báo đã xây dựng chuyên mục “Vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp”, trang “Bạn đọc” ra vào các số báo thứ ba, năm, bảy hằng tuần. Các chuyên trang, chuyên mục này tập trung tuyên truyền những mô hình hay, cách làm tốt; tin, bài, ảnh phê bình những đơn vị, địa phương chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng tăng cường sử dụng bài, ảnh của cộng tác viên trong vấn đề này để tăng cường tính tương tác giữa bạn đọc với báo. Đáng lưu ý là nhóm bài này rất được chính quyền cơ sở quan tâm và ngay sau khi báo đăng thường có phản hồi tích cực, khắc phục hạn chế, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô ngày một tốt hơn...

Trên Báo Hànộimới điện tử, Hànộimới cuối tuần và Hà Nội ngày nay, chúng tôi cũng thường xuyên khai thác mảng đề tài môi trường, thông qua những phóng sự ảnh, những chuyên đề về phát triển cây xanh đô thị, giữ gìn môi trường sông, hồ… để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đưa Nghị quyết số 11-NQ/TU vào cuộc sống.

Trong tuyên truyền Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch, Báo dành hẳn một chuyên trang ra ngày thứ năm hằng tuần trên ấn phẩm Hànộimới hằng ngày để phản ánh các vấn đề phát triển du lịch Thủ đô, mở rộng ra còn là phát triển du lịch của cả nước. Đặc biệt, trước, trong và sau Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội (tháng 2-2019), Báo dành hẳn một liều lượng thông tin lớn để quảng bá hình ảnh một Thủ đô thân thiện, mến khách, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong tuyên truyền về Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017, Ban biên tập phân công đây là nhiệm vụ tuyên truyền chính của Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, đồng thời thành lập Tổ phóng viên chính luận để có những bài viết kịp thời chống các luận điệu sai trái của các phần tử cơ hội, thế lực thù địch. Tiêu biểu như báo đã có nhiều bài, loạt bài phân tích về vụ việc bắt giữ người trái pháp luật, chiếm giữ đất quốc phòng xảy ra trên địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Từ việc thường xuyên tuyên truyền của báo đã giúp cho bạn đọc hiểu rõ tình hình, không mắc mưu những luận điệu sai trái, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở Thủ đô; cùng với chính quyền địa phương ổn định tình hình cơ sở.

Đáng lưu ý là Báo đã có loạt bài 3 kỳ “Xóa “điểm nóng” - những bài học từ thực tiễn” khởi đăng từ ngày 8 đến 10-8-2018. Loạt bài đã tiếp cận vấn đề một cách tổng quan về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp và bài học rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, từ đó gợi mở những cách làm hay, có tác dụng định hướng trong quá trình giải quyết điểm nóng ở cơ sở. Đến thời điểm này, việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU tiếp tục được chúng tôi tuyên truyền mạnh mẽ.

Trên Báo Hànộimới điện tử, tận dụng lợi thế của truyền thông đa phương tiện, chúng tôi thường xuyên đăng chùm ảnh, inforgraphic, mega story để giới thiệu các danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch, các món ăn ngon của Hà Nội để bạn đọc có thể tham khảo, từ đó đưa ra các lựa chọn khi có dịp đến với Thủ đô.

Trên Báo Hà Nội ngày nay, Hànộimới cuối tuần với đặc thù là tuần báo hoặc 1 tháng/số, chúng tôi tập trung khai thác sâu vào những nhóm vấn đề liên quan đến phát triển du lịch Hà Nội như: Ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch… Có thể nói, việc kết hợp tuyên truyền về du lịch dựa trên đặc thù của mỗi ấn phẩm là cách làm được Báo Hànộimới thực hiện thành công, góp phần đưa mục tiêu thu hút khách du lịch đến Thủ đô về đích trước 2 năm so với yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TU.

Kính thưa các đồng chí!

Ngoài các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên bám sát các nghị quyết chuyên đề cũng như các chương trình công tác lớn của thành phố, Báo Hànộimới cũng đã xây dựng và duy trì các chuyên mục chính luận như: “Luận bàn và hành động” (7 ngày/tuần), “Suy ngẫm đầu tuần” (thứ Hai hằng tuần), "Đối thoại Chủ nhật" (chủ nhật hằng tuần); “Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”...  với nhiều bài phân tích sâu sắc, đưa ra chính kiến, thể hiện rõ thái độ khen, chê trước những vấn đề nóng bỏng của Thủ đô và đất nước, thẳng thắn đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, qua đó định hướng dư luận.

Làm tốt vấn đề định hướng thông tin, dư luận, báo Đảng Thủ đô thực sự đã bám sát hơi thở của cuộc sống, nâng cao chất lượng tuyên truyền, lấy “xây” để “chống”, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực; vừa coi trọng thông tin các hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp đảng, chính quyền, vừa tích cực thông tin thực tế cuộc sống từ địa phương, cơ sở, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Chúng tôi đã góp phần vào việc đưa một số mục tiêu đặt ra từ các nghị quyết của thành phố về đích sớm 2 năm, như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, thu hút khách du lịch đến Hà Nội…

Từ thực tế trên có thể thấy rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cần phải làm tốt cả 4 vấn đề:

  1. Nhận thức đúng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo Đảng địa phương, đối tượng bạn đọcchính của Báo; từ đó xác định nhiệm vụ tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên.
  2. Bám sát nhiệm vụ của Đảng bộ Thành phố cũng như thực tế cuộc sống đầy sôi động để có kế hoạch tuyên truyền sát với yêu cầu trong từng thời điểm.
  3. Về cách thức tổ chức thông tin trên các ấn phẩm: Xây dựng và duy trì các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với đối tượng bạn đọc. Coi trọng thông tin nhiều chiều, bảo đảm tính chính xác, tính định hướng dư luận xã hội.
  4. Xây dựng đội ngũ những người làm báo Đảng “Giỏi về nghiệp vụ - Vững về chính trị, tư tưởng - Đẹp về văn hóa”, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền.

Trên đây là một số ý kiến xin được trao đổi cùng các vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp.

Xin cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe!

Lê Hoàng Anh
Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới