Bốn nhà cung cấp nguyên liệu và sản phẩm bánh ngọt, đồ uống đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có thị phần và chuỗi bán lẻ khá thành công cùng phối hợp tổ chức Hội thảo nghề bánh là: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thái An Dương, Công ty cổ phần thực phẩm FARINA, Công ty Hoàng Lâm và Công ty TNHH Thanh Bình Bakery. Điểm nhấn quan trọng mà các nhà sản xuất, kinh doanh muốn tìm đến là làm thế nào để bảo đảm các quy định về ATVSTP, nhất là khi pha trộn, phối hợp các nguyên liệu mà không xảy ra phản ứng phụ, hoặc không bị thôi nhiễm từ các dụng cụ chế biến bằng chất liệu nhựa, kim loại, ngăn ngừa phản ứng chéo từ quá trình pha chế...
Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP: Đôi khi chúng ta vô tình chế biến hoặc ăn một số loại thực phẩm cùng nhau có thể gây những phản ứng có hại cho sức khoẻ như ngộ độc, đau bụng, buồn nôn… thậm chí còn có thể gây nguy hại đến tính mạng. Ngày nay có nhiều cách ăn uống theo hình thức pha trộn, nhất là đồ uống sẵn, nước hoa quả dầm, bánh ngọt… nếu không có những kiến thức cơ bản về phản ứng sinh hóa sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.
Cùng tại Hội thảo về nghề bánh, đại diện Chi cục ATVSTP đã chỉ ra những vấn đề mà các nhà sản xuất, các nghệ nhân phải tuân thủ các quy tắc chế biến, để không vì hình thức mà quên đi sự an toàn. Ví dụ như: Không bọc thực phẩm bằng báo, vì trong mực in có các loại hóa chất, trong đó có chì. Chì sẽ bị thôi nhiễm từ báo sang thực phẩm. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển. Một số sản phẩm cần tránh pha trộn, như: Muối tiêu và khoai môn, ăn cùng dễ làm ruột đau thắt. Sữa đậu nành với trứng gà: Trong sữa có men protidaza kiềm chế các protein trong trứng gà, cản trở tiêu hóa, gây khó tiêu, đầy bụng. Quả hồng, cà chua ăn cùng khoai lang: Tinh bột trong khoai lang kích thích dạ dày tiết ra axít, tác dụng với chất tanin trong quả hồng, gây viêm loét và chảy máu dạ dày.
Đặc biệt, các đồ uống pha chế hiện nay được giới trẻ rất ưa chuộng, nhất là các sản phẩm có sữa cần lưu ý khi kết hợp nếu không đúng công thức và tỷ lệ sẽ dẫn đến ngộ độc. Ví dụ: Sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%. Khi sữa bò pha lẫn hoặc uống cùng với nước trái cây chua sẽ làm cho chất cazeine kết dính, lắng đọng lại làm cho khó tiêu và rối loạn tiêu hóa.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái An Dương có địa chỉ tại phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi chuyên sản xuất các loại bánh, trong đó có bánh Trung Thu. Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu nhập bột mì phục vụ cho các xưởng làm bánh, nay doanh nghiệp đã có thêm các dòng sản phẩm mới như nhân bánh đậu xanh, đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen, tinh bột nghệ, phẩm màu từ lá cây tự nhiên, matcha từ chè Thái Nguyên, nếp cẩm, mật ong, đường thốt nốt, mật mía, bột khoai tím… Đặc biệt có sẵn các khuôn, lò, tủ hấp nướng, máy trộn vò… khép kín, vận hành tự động nhập khẩu có thể đem đến cho các cơ sở chế biến, các nghệ nhân quy trình sản xuất sạch. Nhờ vậy, các sản phẩm bánh sẽ phong phú chủng loại và giá thành thấp hơn hàng nhập khẩu, lại được kiểm soát tốt hơn về ATVSTP ngay từ truy xuất nguyên liệu đầu vào. Còn bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình Bakery chuyên làm bánh ngọt tại T.P Thái Nguyên, chia sẻ: Nay thị trường đã có nhà cung cấp nguyên liệu chiết suất từ các loại củ, quả, thảo mộc… tại Thái Nguyên nên chúng tôi dễ dàng nhập làm nguyên liệu cho các loại sản phẩm bánh, đồ uống bảo đảm an toàn. Nguyên liệu phong phú và sẵn có, nên các nhà sản xuất chỉ còn tập trung vào nâng cao chất lượng và thẩm mỹ, giữ được giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi sản phẩm phụ vụ Tết Trung Thu.
Tết Trung Thu đang đến gần, thị trường bánh năm nay được dự báo sẽ tiếp tục đa dạng, phong phú về chủng loại. Hội thảo nghề bánh cho thấy các đơn vị đã đặc biệt quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và ATVSTP để từng bước phát triển bền vững.