Cập nhật: Thứ hai 19/08/2019 - 12:10
Hiện toàn tỉnh có 2.696 nhà văn hoá xóm, tổ dân phố làm nơi cho nhân dân hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tập luyện thể thao.
Hiện toàn tỉnh có 2.696 nhà văn hoá xóm, tổ dân phố làm nơi cho nhân dân hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tập luyện thể thao.

Cùng cả nước, Thái Nguyên triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020”. Sau 10 năm vào cuộc, các cấp, ngành trên toàn tỉnh cũng như các địa phương đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng trong sự nghiệp văn hoá. Việc thực hiện các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương thực hiện có hiệu quả. Hoạt động ngoại giao về văn hoá với các nước trên thế giới được tăng cường.

Để thực hiện thắng lợi chiến lược này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020” tại Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6/5/2009, tỉnh đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược, gồm: Tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa; di sản văn hóa; văn học nghệ thuật; giao lưu văn hoá với thế giới; thể chế và thiết chế văn hoá để chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc.

 Trong 10 năm gần đây, tỉnh tổ chức hơn 40 đoàn đi thăm và làm việc tại nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, Mỹ, Nga, Cuba, Pháp, Đức…;  đồng thời tỉnh đón hàng trăm đoàn khách nước ngoài đến thăm, làm việc, trao đổi về phát triển kinh tế - văn hoá. Qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên; về những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc Thái Nguyên đến bạn bè quốc tế.

Trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành chuyên môn đã có sự phối hợp, cùng nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các nội dung về quy hoạch tuyên truyền, cổ động nhiệm vụ chính trị, quảng cáo; quy hoạch các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hoá, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hoá; thực hiện chiến lược văn hoá đối ngoại của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, ổn định chính trị xã hội, giảm nghèo, bài trừ các tệ nạn xã hội.

Trên địa bàn tỉnh có 8 dân tộc chính là: Kinh, Tày, Nùng, Sán chay, Sán Dìu, Dao, Mông, Hoa. Các dân tộc sống đan xen, nhưng phong tục, tập quán cũng như những nét đẹp văn hoá của từng dân tộc được gìn giữ, phát huy bản sắc gốc. Hiện toàn tỉnh có 787 điểm di tích, trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt; 46 di tích cấp Quốc gia, 197 di tích cấp tỉnh... Từ năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở) đã hoàn thành kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn, với 17 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản cấp quốc gia. Với mục đích tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, 2 năm 1 lần Sở chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá. Cùng với đó là các đoàn nghệ nhân do Sở thành lập, tổ chức tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang...

Thông qua nghệ thuật trình diễn, các nghệ nhân đã giành được nhiều huy chương các loại. Đặc biệt là thông qua hoạt động nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã có đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tiêu biểu là một số đề tài, dự án, như các đề tài: Xây dựng Từ điển Thái Nguyên; Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của một số dân tộc thiểu số. Bảo tồn văn hóa phi vật thể qua tổ chức mô hình Ngày hội Văn hoá các dân tộc Sán Dìu; Sử dụng ca dao, đồng dao trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo là người dân tộc thiểu số và các dự án: Sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu giữ,  phát huy giá trị các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật các cấp, các chuyên ngành: Văn, thơ, âm nhạc, kiến trúc, múa, kỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian và lý luận phê bình đã có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ công chúng.

Cũng trong giai đoạn này, phong trào xây dựng gia đình văn hoá; xóm, tổ văn hoá đã thấm sâu vào đời sống xã hội. Hằng năm, việc bình xét gia đình văn hoá; xóm, tổ văn hoá được tổ chức thực hiện dân chủ, công khai nên tạo ý thức thi đua nghiêm túc tới từng hộ. Những gia đình văn hoá tiêu biểu được biểu dương tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Đến hết năm 2018, trên toàn tỉnh có 285.824/317.207 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 2.486/3.032 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu xóm, tổ dân phố văn hóa; 1.572/1.661 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Về thiết chế văn hoá cơ sở, từ tỉnh đến huyện đã có nhiều linh hoạt trong thực hiện hỗ trợ cho xây dựng nhà văn hoá; đồng thời năng động trong vận động nhân dân tham gia đóng góp đối ứng xây dựng. Đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 180 nhà văn hoá cấp xã; 2.696 nhà văn hoá xóm, tổ dân phố. Sở cũng đã cấp 30 bộ trang thiết bị cho nhà văn hoá cấp xã và 9 bộ thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em. Nhiều nhà văn hoá xã; xóm, tổ dân phố có tủ sách thư viện.

Cùng việc tích cực triển khai các hoạt động văn hoá trên toàn địa bàn, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hoá, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có hợp tác với tỉnh. Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hoá - xã hội. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hoá để tạo ấn tượng sâu đậm, sắc nét về Việt Nam nói chung, của tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong lòng bạn bè quốc tế, công tác ngoại giao văn hoá của tỉnh với một số nước trên thế giới từng bước ổn định, bền vững và bình đẳng.

Phạm Ngọc Chuẩn