Ở nước ta, việc sản xuất kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, phân tán, nhận thức về VSATTP của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế; công tác đảm bảo VSATTP ở nhiều địa phương chưa được quan tâm. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những tồn tại, khó khăn và giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo VSATTP; giám sát công tác VSATTP tại các bếp ăn tập thể, trường học…cần có cơ chế quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nông sản sạch; giải pháp của ngành nông nghiệp trong vấn đề đảm bảo VSATTP; tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản an toàn; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khẳng định thương hiệu; vai trò của cơ quan, sở, ngành trong việc xử lý ngộ độc thực phẩm.
Đối với Thái Nguyên, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ kiến thức, pháp luật về VSATTP; tích cực khai thác, vận động mọi nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sạch, an toàn, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo bảo VSATTP trên địa bàn. Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và duy trì 145 nhóm sở thích/tổ hợp tác, 433 mô hình phát triển kinh tế do Hội phụ nữ hỗ trợ. Trong đó có: 14 mô hình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; 26 tổ hợp tác/tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi; 10 hợp tác xã nông sản thực phẩm an toàn; 40 câu lạc bộ phụ nữ an toàn thực phẩm, 12 cửa hàng giới thiệu sản phẩm an toàn cho hội viên phụ nữ…
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn; ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên của Hội LHPN các tỉnh phía Bắc về VSATTP.