Cập nhật: Thứ năm 22/08/2019 - 08:23
 Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã Phương Giao (Võ Nhai) đầu tư chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Thời điểm này, xã có gần 110 con bò. (Ảnh: Khánh Huyền)
Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã Phương Giao (Võ Nhai) đầu tư chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Thời điểm này, xã có gần 110 con bò. (Ảnh: Khánh Huyền)

Hơn chục năm trước, để đến được xã Phương Giao (Võ Nhai), chúng tôi phải vượt qua con đường nhấp nhô với những ổ gà, ổ voi. Hôm nay, trở lại Phương Giao, vùng quê nơi rẻo cao này đã khoác lên mình một “lớp áo” mới với những cung đường bê tông uốn lượn qua bao bản, làng; những nương ngô trải dài tít tắp. Cả những cánh đồng lúa cũng xanh ngắt một màu đang tỏa ra mùi thơm nồng đượm…

Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông dài trên 1km của 4 xóm cụm Xuất Tác vừa đưa vào sử dụng cuối năm 2018, anh Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao vui lắm. Anh cho hay: Gần chục ki lô mét đường của xã đã được bê tông giúp người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn; hoàng hóa được thông thương, đời sống người dân vì thế cũng được nâng lên. Năm nay, xã dự kiến cứng hóa thêm hơn 1km đường bê tông nữa.

Chúng tôi thấy vui khi cùng với những con đường được bê tông là những ngôi nhà chắc chắn đã “thi nhau mọc lên” ở Phương Giao. Càng vui hơn khi phía xa xa, những cột điện “vươn dài” mang ánh sáng đến với bản, làng… Vùng quê này hôm nay đang hiện hữu một cuộc sống mới với gam màu trù phú, yên vui. Trên 1.050 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Dao, Nùng, Mông… ở Phương Giao đã thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế gia đình. Thay vì cấy, trồng giống lúa, ngô địa phương năng suất thấp, 5 năm trở lại đây, bà con đưa các giống lúa, ngô lai vào sản xuất. Nhờ đó, sản lượng của trên 40ha lúa hai vụ đã tăng khoảng 20%; sản lượng của hơn 500ha ngô hai vụ đã tăng khoảng 30% so với trước. Riêng năm 2018, sản lượng cây lương thực có hạt (lúa, ngô) của xã đạt gần 3.800ha, vượt gần 5% so với kế hoạch được giao. Ông Đặng Văn Lam, cụm xóm Xuất Tác cho hay: Trước đây, cứ đến ngày giáp hạt là nhiều hộ trong xã chúng tôi không còn lương thực để ăn. Giờ thì khác rồi, nhiều hộ dân không chỉ có dư lúa, ngô từ mùa nọ sang mùa kia mà còn trồng thêm cây đậu tương, cây lạc mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Bên cạnh tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, người dân Phương Giao còn tập trung phát triển kinh tế đồi rừng. Cùng với việc quản lý, bảo vệ trên 930ha rừng hiện có, mỗi năm, người dân trong xã trồng mới khoảng 60-70ha rừng. Năm 2018, tổng số gỗ được cơ quan chức năng cho phép người dân trên địa bàn xã khai thác là hơn 110m3 gỗ vườn nhà các loại, mang lại nguồn thu nhập vài tỷ đồng.

Cùng với đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng mang lại cho bà con nguồn thu đáng kể. Đến nay, xã có trên 700 con trâu, xấp xỉ 110 con bò và 21 nghìn con gia cầm. Trong đó, nhiều hộ phát huy thế mạnh, chăn nuôi giống gà ri (giống gà địa phương) thả vườn, bán được với giá cao, đầu ra ổn định.

Với nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân ở Phương Giao đã thoát nghèo. Đến nay, xã còn trên 390 hộ nghèo, giảm 8,5% số hộ so với đầu năm 2018, vượt 6% chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Anh Hoàng Văn Thức nói: Với một xã còn nhiều khó khăn như Phương Giao thì đây là một kết quả rất đáng mừng. Điều đáng nói là, nhiều hộ thoát nghèo trong năm vừa qua đang có nguồn thu nhập ổn định, không có nguy cơ tái nghèo.

Có thể thấy, từ một xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, nhiều hộ dân một năm thiếu đói lương thực 3 tháng đến 9 tháng, Phương Giao hôm nay đã có bước chuyển mình. Dù vậy, miền quê này vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân. Theo anh Thức, ngoài số hộ nghèo, xã có 150 hộ cận nghèo, đang có nguy cơ tái nghèo bất cứ lúc nào. Đặc biệt, năm 2018, xã vẫn còn 20 hộ dân phải cứu đói trong những ngày giáp hạt.

Bởi vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là đối với các hộ người dân tộc Mông. Trong đó, một trong những giải pháp tối ưu là vận động người dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai cho các hộ nghèo, hộ người dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 (năm 2018, đã có hàng chục hộ  dân được vay tổng số tiền 500 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế gia đình).

Theo đó, địa phương khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; mở rộng các loại hình dịch vụ sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó tập trung vào các cây, con giống thể mạnh của địa phương như ngô, cây đỗ tương, gà thả vườn…

Tùng Lâm