Cập nhật: Thứ sáu 13/09/2019 - 08:31
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình ông Vũ Trí Long (xóm 5, thị trấn Sông Cầu) đã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình ông Vũ Trí Long (xóm 5, thị trấn Sông Cầu) đã có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều gia đình ở huyện Đồng Hỷ đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Điều này không chỉ tạo đà phát triển kinh tế cho gia đình người được vay mà còn góp phần giải quyết việc làm cho các lao động địa phương.

Ở thị trấn Sông Cầu, rất nhiều người biết đến mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình ông Vũ Trí Long tại xóm 5. Nhiều năm qua, từ việc nuôi hươu lấy nhung, nuôi lợn rừng và làm chè, gia đình ông thu nh?p khoảng 250 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí. Vậy nhưng, ít ai biết được trước đây gia đình ông là một hộ nghèo.

Ông cho biết: Tôi vốn là công nhân Nông trường chè Sông Cầu. Sau khi đơn vị này giải thể (năm 1997), gia đình được giao 2ha đất trồng chè nhưng vì đất cằn cỗi, chè cho năng suất thấp nên thu nhập chẳng là bao. Gia đình tôi muốn cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng nhưng không có vốn. Mãi đến năm 2001, tôi được vay 3 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mua 1 cặp bò lai Sind. Cùng thời điểm đó, tôi cải tạo đất để trồng cỏ voi vừa phục vụ việc chăn nuôi, vừa cung cấp cho thị trường. Nhờ chăn nuôi thuận lợi nên có thời điểm, đàn bò của gia đình tôi lên tới vài chục con. Tuy nhiên, nhận thấy nuôi bò cho hiệu quả kinh tế không cao nên từ năm 2010, tôi đã chuyển sang chăn nuôi hươu sao cùng một số vật nuôi khác, như lợn rừng, gà ta. 

Theo ông Long, nuôi hươu không khó, chi phí thức ăn thấp mà lợi nhuận rất cao từ việc bán nhung và con giống. Bởi vậy thời gian đầu, ông chỉ đầu tư mua 4 con, sau đó nhân đàn và hiện nay đã lên tới 26 con. Bên cạnh chăn nuôi, ông còn trồng thêm 1,5ha chè, mỗi lứa cho hái khoảng 1 tấn chè búp tươi. Hiện nay, mô hình kinh tế của ông giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động tại địa phương.

Ông Long chia sẻ: Gia đình tôi có điều kiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện. Riêng gia đình tôi sau mỗi lần trả xong gốc và lãi đã tiếp tục làm hồ sơ vay và hiện nay là lần thứ 4 được vay vốn tạo việc làm với số tiền tối đa 50 triệu đồng. Do phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tôi đã được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm của xóm. Hiện, cả xóm có 16/81 hội viên vay vốn giải quyết việc làm với tổng dư nợ 470 triệu đồng. Ở xóm, nhiều năm qua không có trường hợp chậm nộp lãi hay nợ xấu. 

Tương tự như ông Long, hộ anh Hoàng Xuân Thủy cùng ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu cũng đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Với 2 lần quay vòng (20 triệu đồng/ lần vay), anh đã đầu tư vào chuyển đổi toàn bộ 3ha chè trung du năng suất thấp sang trồng chè cành cho năng suất và giá bán cao. Hiện nay, trừ hết chi phí, cây chè mang lại thu nhập cho gia đình anh trên 20 triệu đồng/tháng. Chưa kể, mô hình trồng, chế biến chè của gia đình anh còn thường 
xuyên tạo việc làm cho 5 - 6 lao động tại địa phương. Vừa qua, anh còn đầu tư mua máy sao chè bằng gas để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Còn gia đình bà Vũ Thị Hạnh, xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng cũng là một trong những hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện. Năm 2018, với số tiền 44 triệu đồng được vay ưu đãi, kết hợp với nguồn vốn của gia đình, bà đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thịt. Mỗi lứa, bà nuôi trên dưới 8 nghìn con gà, sau 100 ngày, trừ hết chi phí cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Bà Hạnh cho biết: Với người nông dân như chúng tôi thì việc được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế là rất cần thiết và quý giá. Thời gian vay 5 năm là phù hợp đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, nếu được vay với số vốn lớn hơn (từ 100 đến 200 triệu đồng/lần vay) thì người nông dân sẽ có thêm điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho lao động trong gia đình, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ thông tin: Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp với các cấp hội, tổ vay vốn và chính quyền địa phương thực hiện công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt trên 11,4 tỷ đồng với 364 khách hàng được vay. Các gia đình vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Nhiều gia đình không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của huyện và tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Hoàng Anh