Cập nhật: Thứ năm 19/09/2019 - 10:16
Công chức trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND huyện Võ Nhai giới thiệu với các thành viên Đoàn khảo sát HĐND tỉnh về hệ thống tra cứu các thủ tục hành chính.
Công chức trực tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND huyện Võ Nhai giới thiệu với các thành viên Đoàn khảo sát HĐND tỉnh về hệ thống tra cứu các thủ tục hành chính.

Những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước hiện đại hóa nền hành chính, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của huyện. Qua đó, năng lực quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị được nâng cao, đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Võ Nhai cho biết: Hiện nay, Võ Nhai đang ứng dụng, sử dụng 4 phần mềm dùng chung của tỉnh. Đó là: Phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành áp dụng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; phần mềm một cửa điện tử áp dụng trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hòm thư công vụ, Cổng thông tin điện tử của huyện, trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn và hệ thống hội nghị trực tuyến. Trong 2 năm (2017 và 2018), các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã đầu tư trên 4,1 tỷ đồng để mua sắm thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp huyện, xã đều có máy tính... 

Nhờ ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn. Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Trước đây, khi chưa đưa phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành vào sử dụng, các văn bản, công văn liên quan chuyển về UBND xã qua đường bưu chính hoặc email, cán bộ phụ trách phải chuyển tay hoặc in ra rồi chuyển trực tiếp cho tôi đọc. Sau khi đọc, tôi mới ký chuyển đến cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực liên quan, rất mất thời gian, có khi còn bị thất lạc. Khi sử dụng phần mềm này, cán bộ tiếp nhận các văn bản thực hiện thao tác ngay trên máy tính hay điện thoại thông minh chuyển tiếp cho tôi. Ngay sau khi nhận được, ở bất cứ địa điểm nào có mạng Internet, tôi đều đọc được và thực hiện phê duyệt chuyển đến cán bộ có liên quan, thậm chí có thể sử dụng chữ ký số để ban hành văn bản điện tử. Do vậy, các công văn, báo cáo chỉ đạo của huyện gửi về xã và ngược lại trở nên thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm được văn phòng phẩm và thời gian. 

Hiện nay, hệ thống mạng WAN do Trung tâm Viễn thông VNPT huyện thiết lập được kết nối với 32 cơ quan, đơn vị trên địa bàn (13 cơ quan chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp và UBND 15 xã, thị trấn) với tốc độ đường truyền là 50Mb. Cùng với đó, 100% xã, thị trấn đã có trang thông tin điện tử và thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin chủ yếu theo quy định; 100% văn bản của UBND huyện được gửi, nhận liên thông với các sở, ngành, UBND cấp xã, thị trấn và các cơ quan liên quan trên phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành; trên 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND huyện được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; 100% cơ quan chuyên môn và UBND xã, thị trấn sử dụng chữ ký số để ban hành văn bản điện tử...

Việc ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện và cấp xã đã giúp cho cán bộ, công chức xử lý hồ sơ được nhanh hơn, giảm được công việc trùng lắp. Chị Triệu Thị Hường, công chức Văn hóa - Xã hội UBND xã Lâu Thượng cho biết: Trước kia, chúng tôi phải chuyển trực tiếp văn bản giấy lên lãnh đạo UBND xã xem xét. Có những hôm, lãnh đạo đi họp cả ngày, văn bản đó phải chờ hôm sau mới được xem xét, ký duyệt. Giờ đây, nhờ có các ứng dụng CNTT hỗ trợ, lãnh đạo UBND xã phê duyệt rất nhanh. Nếu như trước kia, nhiều thủ tục giao dịch hành chính của công dân, chúng tôi phải trực tiếp cầm lên huyện nộp thì giờ chỉ cần thao tác trên máy tính. Nhờ vậy, chúng tôi không phải mất thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục này.

Bà Đồng Kim Hiền, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Võ Nhai cho biết: Điểm nhấn quan trọng trong cải cách hành chính của huyện là tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, xã đang ứng dụng phần mềm một cửa điện tử. Nhờ phần mềm này, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đã sắp xếp và quản lý hồ sơ được gọn nhẹ, chính xác, tránh thất lạc hồ sơ. Đồng thời, tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân đến giao dịch cũng nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, như: Một số phần mềm tiếp nhận từ tỉnh triển khai tại huyện chưa phù hợp, hay bị lỗi; hầu hết các xã chưa bố trí được công chức phụ trách công nghệ thông tin (chỉ là kiêm nhiệm); lãnh đạo một số xã chưa thực sự quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan; số lượng tổ chức, công dân giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 còn thấp... Để công tác cải cách hành chính ngày càng phát huy hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người dân, thời gian tới, huyện Võ Nhai cần có thêm những giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn để khắc phục những hạn chế, tồn tại...

Đức Anh