Ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng ma túy Kỳ 2: Mạnh tay xử lý
Cập nhật: Thứ ba 24/09/2019 - 08:18
Lực lượng chức năng kiểm tra người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 3.
Lực lượng chức năng kiểm tra người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 3.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện 239 trường hợp dương tính với ma túy trên cả nước. Trong đó, tại Thái Nguyên phát hiện 14 trường hợp vi phạm. Nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng ma túy khi lái xe, tỉnh ta đã tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lái xe sử dụng ma túy.

Tăng cường kiểm tra

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường trong người có chất ma túy trên tất cả các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lộ, nội thành, nội thị. Lực lượng Công an cũng tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm tại các nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng quán ăn; khu vực phức tạp về an ninh, trật tự... 

Đại úy Nguyễn Đắc Thái Anh, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), người trực tiếp tham gia các đợt kiểm tra tài xế về sử dụng ma túy cho biết: Các tài xế không sử dụng ma tuý sẽ thiện chí hợp tác, quá trình kiểm tra có thể hoàn tất trong vòng vài phút. Nhưng tài xế nào có biểu hiện chần chừ, kéo dài thời gian kết quả test nhanh thường cho thấy tài xế đó có sử dụng ma tuý. Khi gặp trường hợp tài xế có sử dụng ma tuý, thời gian xử lý mất 2-3 tiếng, vì chúng tôi phải lấy lời khai và mời chính quyền địa phương tới làm chứng khi lập biên bản. Thêm vào đó, khi phát hiện lực lượng tuần tra, kiểm soát, các lái xe thường thông tin cho nhau để né tránh. Do đó, hiệu quả xử lý phần nào bị hạn chế.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), hiện nay chế tài xử lý lái xe sử dụng chất ma túy chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, tại khoản 11, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Nhiều lái xe sẽ lợi dụng kẽ hở lách luật để không bị tước bằng; thậm chí chấp nhận nộp phạt hành chính để tiếp tục được hành nghề lái xe. 

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, không chỉ lực lượng chức năng mà nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã vào cuộc trong việc ngăn chặn tài xế xử dụng ma túy. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám Đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan thông tin: Để đảm bảo an toàn giao thông, đối với những tuyến đường liên tỉnh, chúng tôi bố trí 2 lái xe để đảm bảo một lái xe không chạy liên tục quá 4 tiếng/ngày. Hàng năm, Công ty định kỳ tổ chức khám sức khỏe lái xe, thực hiện test ma túy. Công ty cũng thường xuyên phối hợp tổ chức hoặc cử lái xe tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về an toàn giao thông, các quy định mới của pháp luật liên quan đến điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Còn theo ông Phạm Quý Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Taxi Miền Bắc, để ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy ngoài việc thường xuyên kiểm tra, tập huấn, nâng cao tay nghề cho lái xe, doanh nghiệp đã chủ động sàng lọc kỹ đầu vào, kiên quyết từ chối tuyển dụng những lái xe có sử dụng chất kích thích, ma túy. Yêu cầu các lái xe ký cam kết không sử dụng ma túy, nếu vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. 

Bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, việc kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe cũng là việc cần phải thực hiện trong thời điểm này. Một lái xe chia sẻ, dù đã nghiện ma túy từ lâu nhưng năm 2016, thông qua sự giới thiệu của bạn bè, anh này vẫn mua được giấy phép lái xe giả ở Thành phố Hồ Chí Minh và hành nghề đến khi bị bắt vào năm 2018. Trên thực tế, từ ngày 15/12/2018 đến 14/8/2019, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng các chất ma túy đã phát hiện 14 trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy. Trong đó, có 9 người có giấy phép lái xe, 4 người không có giấy phép lái xe và 1 người bị công an tỉnh Lạng Sơn tạm giữ. 

Sự ảnh hưởng của ma túy đối với xã hội không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại dai dẳng từ rất lâu. Tuy nhiên, gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy khác nhau đã ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới xã hội. Đặc biệt, đối với những tài xế chuyên nghiệp. Ví dụ đối với tài xế xe khách, chỉ cần chạy xe thiếu ý thức, uống rượu, bia hay sử dụng ma túy, nguy cơ để xảy ra tai nạn là rất cao và hậu quả sẽ khôn lường. Để ngăn chặn các vụ tai nạn do lái xe sử dụng ma tuý tham gia giao thông gây ra, bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tác hại của ma tuý; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện; siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, làm giả giấy khám sức khoẻ, giấy phép lái xe...; các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cũng cần chủ động kiểm tra sức khoẻ, giám sát hoạt động của lái xe để kịp thời phát hiện các trường hợp lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trường hợp nếu lái xe sử dụng cồn, ma túy để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì chủ doanh nghiệp vận tải sử dụng lái xe đó cũng cần bị tước giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng quan trọng hơn, mỗi lái xe phải tự nâng cao ý thức, đạo đức, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông, tôn trọng và đảm bảo tính mạng con người khi tham gia giao thông.

Khánh Huyền - Hoài Anh