Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Yên Đổ (Phú Lương) cho biết: Nhờ Hội Phụ nữ các cấp và địa phương hỗ trợ tuyên truyền, vận động, 43 thành viên mới mạnh dạn đứng ra liên kết thành lập HTX. Trong quá trình hoạt động, các thành viên được các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Sau gần 2 năm hoạt động, hiện HTX chăn nuôi được 37 con bò BBB và bò thịt laisind, hàng tháng cung cấp ra thị trường trên 1 tấn thịt bò thành phẩm; hàng nghìn quả trứng và 5-7 tạ gà thịt; thường xuyên cung cấp rau an toàn cho các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn...
HTX Nông sản an toàn Yên Đổ chỉ là một trong số rất nhiều mô hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hỗ trợ thực hiện thành công trong thời gian qua. Nhằm đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết sản xuất theo quy trình kỹ thuật an toàn cho hội viên phụ nữ, từ năm 2017, Hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng công nghệ sinh học cho cây trồng, vật nuôi nhằm sản xuất ra sản phẩm an toàn theo hướng hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, HTX; truy xuất nguồn gốc sản phẩm...; xây dựng mô hình điểm an toàn thực phẩm theo chuỗi khép kín để thực hiện và nhân rộng; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tuân thủ pháp luật tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; huy động nguồn lực từ các đề án, chương trình và các gia đình kết hợp lồng ghép nguồn lực tại địa phương. Hàng năm, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho 80.000 hội viên phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tổng số vốn gần 3.000 tỷ đồng...
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và duy trì 145 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ và 433 mô hình phát triển kinh tế do Hội hỗ trợ. Một số mô hình điểm, như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ đỗ tương an toàn theo hướng hữu cơ ở xã Yên Trạch (Phú Lương); mô hình “Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không, 3 sạch” (Đại Từ); chăn nuôi bò sữa tại xã Điềm Mặc (Định Hóa); 2 mô hình “Hộ gia đình cam kết sản xuất nông sản an toàn” tại xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và xã La Hiên (Võ Nhai). Cùng với đó, các cấp Hội thành lập 12 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm an toàn tại 5 huyện, thành, thị; tổ chức phiên chợ nông sản an toàn hàng tháng. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và bán lẻ BT thực hiện “Chuỗi quầy hàng tiện ích Phụ nữ tin dùng” để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và kết nối đưa sản phẩm an toàn vào chuỗi quầy hàng giới thiệu cho người tiêu dùng, hiện tại đã lựa chọn được 3 sản phẩm của địa phương đưa vào chuỗi quầy hàng (chè, mỳ gạo bao thai Định Hóa, miến dong Việt Cường)...
Dù đạt được những kết quả như vậy, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc vận động chị em tham gia sản xuất, chế biến nông sản an toàn còn gặp một số hạn chế như: Nhiều hội viên phụ nữ chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình; các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung, mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi khép kín còn ít; thiếu nguồn lực để thành lập các cửa hàng giới thiệu sản phẩm... Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn; huy động các nguồn lực để quảng bá rộng rãi các địa chỉ sản xuất sản phẩm an toàn, nhất các nhà hàng, doanh nghiệp, trường học; hỗ trợ bảo hộ thương hiệu và địa chỉ sản phẩm sản xuất của hội viên; nhân rộng các mô hình hiệu quả kết hợp hỗ trợ vốn vay để các gia đình, đơn vị, tổ chức mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư cho phát triển kinh doanh...