Dịch vụ đi chung xe: Lợi nhưng khó quản Kỳ 2: Cần phương án quản lý phù hợp, hiệu quả
Cập nhật: Thứ ba 12/11/2019 - 10:56
Xe vận tải khách theo tuyến cố định ngày càng gặp khó khăn do sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và gay gắt từ dịch vụ xe chung tự phát.
Xe vận tải khách theo tuyến cố định ngày càng gặp khó khăn do sự cạnh tranh thiếu bình đẳng và gay gắt từ dịch vụ xe chung tự phát.

Không thể phủ nhận sự đa dạng loại hình dịch vụ xe chung và lợi ích của dịch vụ này. Tuy nhiên, bên cạnh dịch vụ do các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đảm bảo quy định pháp luật và chất lượng khá tốt, hiện nay, dịch vụ đi chung xe tự phát (nhiều nhất là thông qua kết nối trên mạng xã hội facebook) đang nảy sinh nhiều bất cập. Thực trạng này đặt ra bài toán cần sớm có quy định để từ đó có phương án quản lý phù hợp.

Nảy sinh nhiều bất cập

Theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật; bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ và rất nhiều quy định khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải), hiện nay, xuất hiện nhiều cá nhân cung cấp dịch vụ đi chung xe tự phát, nhiều nhất là thông qua kết nối trên mạng xã hội facebook. Những cá nhân này chưa đăng ký kinh doanh, chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải.

Điều này đã nảy sinh một nghịch lý: Các cá nhân không thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, không phát sinh chi phí quản lý nên có thể cung cấp dịch vụ với giá rất rẻ. Đồng thời, xe kinh doanh vận tải lại mang danh nghĩa xe gia đình nên có thể dừng đỗ, đón khách nhiều nơi mà không bị lực lượng công an xử phạt. Trong khi đó, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống bị quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật nên ngày càng “yếu thế”, dần bị “bóp chết”. Anh Lê Văn Hiệp, kinh doanh dịch vụ vận tải ở xã Bình Sơn (T.P Sông Công) cho biết: Xe chạy tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về thuế, đăng ký luồng tuyến, lộ trình vận tải, giờ xe xuất bến. Trong khi đó, nhiều xe cá nhân kinh doanh dịch vụ xe chung “núp bóng” xe gia đình, chạy với tần suất liên tục, không theo giờ, cung đường cố định, đưa đón khách khắp nội thành, không mất phí bến bãi, không nộp thuế kinh doanh, không mua bảo hiểm hành khách. Giá vé chỉ gấp đôi vé xe khách tuyến cố định nên hút hết hành khách. Đây là sự cạnh tranh không bình đẳng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của các tuyến xe khách cố định. 

Bên cạnh đó, do làm ăn tự phát theo kiểu “trăm người bán, vạn người mua” nên nhiều cá nhân cung cấp dịch vụ kém chất lượng, làm ăn chộp giật. Nhiều lái xe tìm mọi cách giành giật khách về xe mình nhưng khi lượng khách hàng không đủ lấp đầy xe lại “bán” cho xe khác, gây phiền hà cho khách hàng. Chưa kể, nhiều khách hàng phàn nàn vì quên đồ không được trả lại, thái độ phục vụ không được tốt, đôi khi gặp lái xe cò kè xin thêm tiền dù đã thỏa thuận trước… Anh Nguyễn Huy Vinh, phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) nói: Có lần đi xe chung xuống Hà Nội, tôi bị đưa đi lòng vòng hơn nửa tiếng ở T.P Thái Nguyên để lái xe đón khách, sau đó lại mất hàng giờ để lái xe trả khách tại Hà Nội mới đến được điểm mình cần. Đã vậy, lái xe lại trình bày quãng đường xa phải trả thêm tiền khiến tôi rất bức xúc.

Khó quản lý

Khi chúng tôi trao đổi về những bất cập của dịch vụ đi xe chung theo kiểu tự phát, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải và lực lượng công an đều cho biết là nắm rất rõ, nhưng chưa có cách quản lý hiệu quả. Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Việc xử lý hình thức đi xe chung theo kiểu tự phát còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu các thông tin tìm xe, tìm khách, thời gian và lộ trình di chuyển được đăng trên mạng xã hội, không cố định nên cơ quan chức năng rất khó nắm bắt, phát hiện, xử lý. Thêm vào đó, phương tiện mà các tài xế sử dụng chủ yếu là xe riêng, xe gia đình 4, 5, 7 chỗ, không gắn mào, không có phù hiệu, không đăng ký kinh doanh nên rất khó chứng minh đây là phương tiện kinh doanh vận tải trá hình. Thậm chí, nếu có kiểm tra mà tài xế và hành khách thống nhất là người nhà, người quen của nhau, đi nhờ xe, thì cũng không xử lý được.

Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông cũng khẳng định rất khó nhận biết xe gia đình hay xe kinh doanh vận tải “núp bóng” xe gia đình. Với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi chở xuống không có phù hiệu, không gắn mào trên nóc xe, lực lượng cảnh sát chỉ kiểm tra như các xe cá nhân thông thường. 

Cần phương án hữu hiệu

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải) nhận định: Vấn đề ở đây là đi chung xe thông qua kết nối trên mạng xã hội là một loại hình dịch vụ mới và thực tế là chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa có quy định cụ thể để định danh chứ chưa nói đến quản lý. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải để trình Chính phủ sửa đổi nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải làm sao để đảm bảo tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đều bình đẳng và tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Theo đại điện Sở Giao thông - Vận tải, hiện nay, khi chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, dịch vụ đi chung xe tự phát có thể nảy sinh nhiều bất cập. Vì vậy, người dân nên lựa chọn dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải có uy tín. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cảnh báo các khách hàng khi sử dụng dịch vụ vận tải phải tìm hiểu thật kỹ quy định của pháp luật và đối tượng cung cấp để hạn chế gặp phải những vấn đề không mong muốn.

Ông Phạm Đăng Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên: Dịch vụ xe đi chung xuất hiện và phát triển chủ yếu trên mạng xã hội facebook, zalo… Bởi vậy, để quản lý được loại hình dịch vụ này cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ; đầu tư trang thiết bị, phần mềm, con người nhằm sử dụng hệ thống hạ tầng công nghệ đó đưa hoạt động kinh doanh trên mạng vào khuôn khổ pháp luật.
Chị Nguyễn Vân Hoài, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên): Ban đầu đi xe chung tôi thấy rất tiện lợi, an toàn, giá cả hợp lý nhưng càng ngày càng thấy bất ổn. Nhiều tài xế chạy xe chung vốn là tranh thủ làm thêm giờ nên động lực và trách nhiệm với hành khách còn hạn chế. Thêm vào đó, nhiều lái xe không thuộc đường, vừa điều khiển phương tiện vừa nhìn phần mềm dẫn đường trên điện thoại nên rất nguy hiểm.
Quốc Tuân - Hoài Anh