Đặc thù là huyện miền núi, địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi, lại có nhiều điểm trường lẻ, nên việc tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh các quy định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), toàn ngành xác định phải chủ động kiểm soát tại chỗ và gắn chặt trách nhiệm gia đình, xã hội trong việc tổ chức bếp ăn hàng ngày cho trẻ. Đồng chí Đoàn Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Toàn huyện có 37 trường/55 trường tổ chức bếp ăn bán trú của các bậc học từ mầm non, tiểu học đến THCS, cung cấp gần 10 nghìn suất ăn hàng ngày, nên lượng lương thực, thực phẩm sử dụng là rất lớn. Đặc biệt, riêng bậc học mầm non, việc tổ chức ăn bán trú là quy định “cứng” về chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ phải bảo đảm duy trì 100% số học sinh đến lớp hàng ngày, nên ngành đã bố trí 54 bếp ăn tại 18 trường mầm non và các điểm trường lẻ nằm ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì không bố trí ăn tập trung được nên tại 35 bếp ăn ở các điểm trường, dù chỉ có 15-20 cháu, nhưng các trường vẫn phải bố trí nhân viên nấu ăn đủ điều kiện về sức khỏe, trình độ, năng lực và các quy định ATVSTP phục vụ, chăm sóc học sinh”.
ô giáo Vũ Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vân Hán tâm sự: “Là trường duy nhất trong huyện và cũng là trường duy nhất của tỉnh có đến 10 điểm trường lẻ. Điểm trường xa nhất cách Trường trung tâm hơn chục cây số, các điểm khác cũng nằm phân tán trong các khu dân cư mà lại không liền kề, thuận tiện trên một trục giao thông, nên việc tổ chức bếp ăn bán trú rất khó khăn và không thể chuyển thực phẩm đến các điểm trường cùng một thời điểm. Từ thực tế này, Trường tổ chức nhận thực phẩm hàng ngày tại điểm trung tâm, rồi từ đó phân chia đến các điểm để chế biến tại đó. Làm được như vậy, Nhà trường, nhà thầu cung cấp thực phẩm phải thực hiện quy định đến sớm hơn giờ học sinh đến trường trung tâm, như vậy chuyển về các điểm lẻ mới kịp thời gian chế biến. Do địa bàn xa các trung tâm thị trấn, thị tứ và vùng sản xuất thực phẩm tập trung, lại có nhiều điểm trường phân tán, nên việc lựa chọn nhà thầu, người tiếp phẩm, vận chuyển cũng được Nhà trường “linh hoạt” lựa chọn phải là phụ huynh học sinh đang học tại trường và phải thực hiện đầy đủ các quy định ATVSTP. Bên cạnh đó, các thực phẩm như rau xanh, quả tươi mà gia đình phụ huynh trồng được thì các điểm trường được chủ động thu mua lại phục vụ tại chỗ cho bếp ăn của con em họ. Cách làm này một phần làm giảm các chi phí vận chuyển, giảm giá thành và gắn chặt trách nhiệm gia đình, xã hội trong việc kiểm soát thực phẩm an toàn”.
Đối với bậc học mầm non, các nhà trường đã có nhiều biện pháp vận dụng hiệu quả, gắn với thực tế địa phương bảo đảm duy trì tốt chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ những năm qua. Còn với bậc học tiểu học và THCS bán trú, nội trú cũng được các nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giám sát ATVSTP công khai, minh bạch hàng ngày. Ban đại diện Hội phụ huynh hàng tháng phối hợp với bếp ăn xây dựng thực đơn, nguồn thực phẩm để chủ động cho các bếp ăn và bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho học sinh. Một số trường tiểu học hợp đồng với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, đồng thời chính là phục vụ con em một số gia đình quân nhân trú tại tại địa phương. Các trường THCS nội trú và bán trú đã duy trì được mô hình vườn rau tự tăng gia kết hợp lồng ghép chương trình học và thực hành môn kỹ thuật, nên chủ động được một phần thực phẩm. Được biết, hiện nay, hình thức chủ động phối hợp sản xuất, giám sát và cung ứng thực phẩm tại chỗ các trường học trên địa bàn huyện đáp ứng được gần 30% nhu cầu trong năm học. Về công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP trong trường học, ngay từ đầu năm học 2019-2020, ngành Giáo dục huyện đã phối hợp với các cơ sở y tế, các cơ quan chuyên môn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên nấu ăn, người tiếp phẩm bếp ăn tập thể. Đồng thời cập nhật và phổ biến kiến thức về ATVSTP cho toàn bộ 157 nhân viên nấu ăn trong các trường học.