Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 công ty, doanh nghiệp, cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản và gần 1.800 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp cùng hàng nghìn cơ sở nhỏ lẻ. Trong đó, mới chỉ có khoảng 10% cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP (chưa tính các cơ sở nhỏ lẻ không có giấy phép đăng ký kinh doanh) và gần 5.400 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã ký cam kết thực hiện SXKD ATTP. Đây là con số khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp, cơ sở và hộ SXKD nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Tại lễ phát động, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp Hội Nông dân trên địa bàn cần quán triệt sâu sắc và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về SXKD nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP; nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về tầm quan trọng của thực phẩm đối với đời sống xã hội và sức khỏe con người, tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Tại chương trình, Hội Nông dân tỉnh và đại diện các hộ SXKD nông sản, thực phẩm trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết thực hiện “3 không”: Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn.
Ngay sau lễ phát động, đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân đã diễu hành tuyên truyền về SXKD nông sản, thực phẩm an toàn tại các tuyến đường chính của T.P Thái Nguyên.