Cập nhật: Thứ hai 25/11/2019 - 11:13
 Với 1,5ha chè, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, xóm Chiến Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai) có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.
Với 1,5ha chè, mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, xóm Chiến Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai) có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng.

Khoảng 10 năm trước, Chiến Thắng là xóm thuần nông có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của xã Bình Long (Võ Nhai). Vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con trong xóm đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, đời sống ngày càng trở nên sung túc, diện mạo xóm làng có sự đổi thay rõ rệt.

Trở lại Chiến Thắng vào một ngày cuối tháng 11-2019, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là các tuyến đường đất nhỏ hẹp, bụi bặm vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa trước kia đã được mở rộng và đổ bê tông sạch sẽ. Nhà ở của các hộ dân được xây dựng kiên cố, khang trang mọc lên san sát. Hầu hết các hộ đều sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Anh Phạm Văn Tiến, Trưởng xóm Chiến Thắng cho biết: Xóm hiện có 62 hộ, 252 nhân khẩu. Xóm có đến 80% số hộ dân đã xây dựng được nhà cao tầng, nhà mái bằng và nhà cấp 4 khang trang, sạch đẹp, không còn nhà dột, nát. Ngoài cấy lúa, người dân trong xóm còn tập trung trồng chè và làm thêm nhiều nghề khác để tăng thêm nguồn thu nhập như: Làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, làm thợ xây dựng, mở xưởng gỗ, xưởng cơ khí...  Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở xóm đạt trên 25 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu so với năm 2015). Xóm hiện còn 8 hộ nghèo (giảm được 3 hộ so với năm 2018)...

Hưởng ứng phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nay là "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", những năm qua, Ban Công tác Mặt trận xóm đã vận động nhân dân tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng; mạnh dạn đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng, thay thế dần diện tích chè trung du cằn cỗi... Qua đó, bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi. Với hơn 9ha đất lúa, mỗi năm, bà con trong xóm đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng như: Syn6, TH3-3, Khang Dân 18 vào gieo cấy. Nhờ vậy, năng suất lúa của xóm luôn đạt từ 54 tạ/ha trở lên. Cùng với đó, bà con còn mạnh dạn trồng mới, thay thế được 28ha chè, trong đó chè cành chiếm 99% với chủ yếu các giống LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Bát Tiên, chè Nhật..., đem lại nguồn thu nhập cho mỗi hộ từ 30 đến 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thủy, một hộ dân trồng chè trong xóm cho biết: Từ khi xóm được công nhận là Làng nghề chè (năm 2011), bà con trong xóm đã mạnh dạn từng bước thay thế giống chè trung du bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng. Cây chè đã trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xóm. Gia đình tôi cũng đã trồng được 1,5ha chè cành với giống LDP1, Kim Tuyên và chè Nhật. Mỗi lứa, gia đình thu hái được khoảng trên 5 tạ chè búp khô, trừ chi phí, thu lãi trên 30 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình thu hái được 7 lứa, đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng. Kinh tế phát triển, gia đình đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến chè...

Không chỉ cấy lúa và trồng chè, nhiều hộ dân trong xóm còn tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thêm nghề thợ xây hoặc mở xưởng chế biến gỗ bóc, gỗ xẻ, xưởng cơ khí hay làm dịch vụ xay xát, đi làm công nhân tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh... để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, xóm có 3 xưởng chế biến gỗ, 1 xưởng sản xuất cơ khí, trên 10 người đi làm thợ xây và trên 30 người làm việc tại Công ty Samsung các công ty phụ trợ của Samsung tại Thái Nguyên hoặc các nhà máy ở Khu Công nghiệp Điềm Thụy với mức thu nhập từ 7 đến trên 10 triệu đồng/ tháng. Anh Phạm Văn Dương, chủ một xưởng chế biến gỗ xẻ và lát đá granite cho biết: Để tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, năm 2010, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng xưởng lên 200m2 và sắm thêm máy móc, thiết bị để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ như: Cầu thang, tay vịn cầu thang, giường, tủ, bàn ghế. Đến năm 2018, tôi tiếp tục đầu tư gần 150 triệu đồng mua máy cắt đá granite để lát cầu thang, bếp... cho các hộ dân trong xã và những xã lân cận. Hiện tại, xưởng gỗ và cắt đá granite của gia đình tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong xóm với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. 

 Kinh tế phát triển, đời sống của bà con trong xóm ngày được nâng cao. Bởi vậy, bà con trong xóm đã có điều kiện hơn trong việc góp công sức, tiền của vào xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa. Hiện nay, 1,9/2,1km đường trục chính của xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con. Nhà văn hóa xóm quy mô 60 chỗ ngồi đã được xây dựng khang trang từ năm 2015 với tổng kinh phí trên trên 220 triệu đồng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, hội họp của bà con. Anh Phạm Văn Tiến, Trưởng xóm Chiến Thắng chia sẻ thêm: Để có được những tuyến đường bê tông, chúng tôi đã chia ra mỗi năm làm một đoạn (trong vòng 4 năm) để người dân trong xóm đóng góp tiền đối ứng đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận xóm cũng xuống các hộ vận động người dân tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất các loại để mở rộng các tuyến đường.

Không chỉ động viên bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa, cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận xóm còn vận động bà con thực hiện nếp sống văn hoá, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của xóm, sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đức Anh