Cập nhật: Thứ sáu 03/01/2020 - 09:03
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường, phục vụ công tác điều tra vụ thảm sát ở xóm Lương Bình 2, xã Sơn Phú (Định Hóa).
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường, phục vụ công tác điều tra vụ thảm sát ở xóm Lương Bình 2, xã Sơn Phú (Định Hóa).

Lâu nay, mọi người đều có chung suy nghĩ những vùng nông thôn vốn yên bình. Điều đó đúng với đại đa số. Tuy nhiên, đâu đó đã xuất hiện những nỗi bất an, những sự việc đáng phải suy ngẫm. Ma túy đã len lỏi, xâm nhập ngày càng sâu hơn về các vùng quê gây xáo trộn cuộc sống; những mâu thuẫn tưởng như nhỏ nhặt khi không được giải quyết ổn thỏa đã gây nên những án mạng, thậm chí thảm sát đau lòng.

Đã qua một tuần nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm xóm nghèo Lương Bình 2, xã Sơn Phú (Định Hóa). Sáng sớm ngày 26/12/2019 tưởng như yên bình như mọi ngày thì tai họa ập đến. 5 người bị tước đi sinh mạng, một người nữa tuy sống sót nhưng giờ vẫn nguy kịch. Trong lễ đại tang nơi xóm nhỏ, có lẽ điều ám ảnh nhất với những người ở lại là khuôn mặt thất thần, ngơ ngác của hai đứa trẻ con anh Hoàng Văn Luận và chị Hoàng Thị Hường. Hai vợ chồng vốn có tiếng hiền lành, sống hòa thuận với bà con lối xóm. Những đứa trẻ chưa thể hiểu hết những gì đã xảy ra và cuộc sống sau này sẽ ra sao.

Hoàng Văn Chín - kẻ gây ra vụ thảm sát khi bị lực lượng chức năng khống chế, bắt giữ hoàn toàn tỉnh táo. Kiểm tra nhanh, Chín cũng âm tính với ma túy nên không hề có chuyện bị “ngáo đá”. Tuy nhiên, theo hồ sơ quản lý ở địa phương và lời khai thì bản thân đối tượng nghiện ma túy, không chịu làm lụng, chia sẻ công việc đồng áng với vợ, lâu ngày trở thành kẻ ăn bám, thiếu tiền chích ma tuý cũng phải xin vợ. Bị vợ nói và sáng hôm đó dọn quần áo doạ bỏ đi nên Chín ra tay tát vợ và sát hại. Thêm nữa, đối tượng khai nhận đã bị mất ngủ từ tháng 5-2019 đến nay. Việc mất ngủ lâu ngày cũng dễ khiến con người ta sinh ra hoang tưởng, ảo giác, cộc cằn, khó chịu. Mọi thứ cứ âm ỉ trong lòng chờ một ngày bộc phát thành hành động.

Lật lại các hồ sơ vụ án trên địa bàn tỉnh, trường hợp gây án mạng liên quan đến ma túy không phải hiếm. Cũng ở Định Hóa, nhiều người hẳn chưa thể quên vụ án nghiêm trọng do đối tượng Ma Đức Tiệp, trú tại xóm Trung Tâm, xã Phú Đình, gây nên cuối năm 2015. Từng là sinh viên một trường đại học có tiếng ở Thái Nguyên, khi gây án mạng y có biểu hiện loạn thần hoang tưởng. Đối tượng bất ngờ dùng dao truy sát bố mình. Phát hiện ra sự việc, người bác ruột của Tiệp ở gần đó liền chạy vào can ngăn thì bị đối tượng chém đứt cổ, tử vong tại chỗ; rồi tiếp tục dùng dao chém và làm bị thương một người chú ruột khác. Từng điều trị cho Tiệp, bác sĩ Trần Thị Định, Trưởng khoa Nam (Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Thái Nguyên) kể: Đối tượng được đưa vào viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, luôn có các chiến sĩ công an giám sát cả ngày lẫn đêm. Những lúc tỉnh táo, bệnh nhân rất ngại tiếp xúc với mọi người, có tâm lý mặc cảm và tự ti về bản thân. Bố mẹ và người thân đến thăm chỉ biết ôm nhau khóc. 

Trong một vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta ghi nhận một số vụ thảm án. Đáng lưu ý là phần lớn lại xuất phát từ các vùng nông thôn. Tháng 9-2018, đối tượng Nguyễn Văn Tiến (ở xóm Phố Mỹ, xã Lương Phú, huyện Phú Bình) đã ra tay tàn ác sát hại 3 người và khiến 4 người khác bị thương. Khi bị bắt, Tiến khai bản thân mất ngủ nhiều ngày dẫn tới căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, đối tượng cũng có xích mích với các nạn nhân nên tìm cách trả thù. Tháng 11-2019, Lưu Văn Nghĩa (sinh năm 1985, trú tại xóm Nông Vụ 3, xã Vạn Phái, T.X Phổ Yên) đã đến nhà bố mẹ vợ là ông Ngô Văn Cảnh và bà Nguyễn Thị Hằng, trú tại xã Thành Công, T.X Phổ Yên để nói chuyện. Tại đây, Nghĩa đã xảy ra cãi vã, xô xát với gia đình. Đối tượng đã dùng dao đâm bà Hằng, rồi chém ông Cảnh trọng thương. Dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng do vết thương quá nặng nên bà Hằng đã tử vong sau đó. Sau khi gây án, Nghĩa dùng dao tự đâm vào bụng mình để tự sát. 

Có một điểm chung ở các vụ án nói trên là nạn nhân đều là người nhà, có quan hệ họ hàng hoặc bà con lối xóm với kẻ thủ ác. Hầu hết hung thủ và nạn nhân trước đó không có mâu thuẫn lớn nên không ai có tâm lý cảnh giác. Các vụ việc mang tính chất bộc phát nên việc phòng ngừa cũng hết sức khó khăn. Vậy nên, bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình mình hơn. 

Một vấn đề nữa là việc quản lý đối tượng nghiện ma túy, người có tiền sử tâm thần dường như chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, trung bình cả nước chỉ có khoảng 10% trong số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung. Điều đó có nghĩa là khoảng 90% còn lại và cả những người nghiện chưa được thống kê đã và đang sinh sống chung với cộng đồng. Ước tính số người dùng ma túy tổng hợp, ma túy đá chiếm trên 70% tổng số người nghiện và đang có chiều hướng gia tăng. Vả lại, càng không thể có đủ cơ sở vật chất và kinh phí để đưa tất cả những người nghiện ma túy đi cai tại các trung tâm bắt buộc. Đã đến lúc cần coi ma túy như một thứ “giặc nội xâm” để có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, nhất là việc ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép ma túy; quản lý, giúp đỡ, tiến hành điều trị cai cho người nghiện ngay tại cộng đồng.

Nhị Hà