Cập nhật: Chủ nhật 12/04/2020 - 16:22
Tuyến đường từ xóm Hạ Lương, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) ra đến đường liên xóm vẫn chưa được đổ bê tông khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuyến đường từ xóm Hạ Lương, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) ra đến đường liên xóm vẫn chưa được đổ bê tông khiến cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.

Xác định giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Võ Nhai đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để cứng hóa các tuyến đường ở nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện mới có 7/14 xã đạt tiêu chí này...

Ông Nông Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết: Sau 10 năm triển khai XDNTM, diện mạo nông thôn ở xã đã có nhiều đổi thay. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện. Ngoài các công trình trường học, trạm y tế, đường điện, nhà văn hóa xã, xóm, Nghinh Tường đã được đầu tư cứng hóa 18,9/23,9km đường trục xã; 10,6/25,5km đường trục xóm, liên xóm. Tuy nhiên, hiện xã vẫn còn nhiều tuyến đường trục xóm, liên xóm chưa được đổ bê tông khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Tuyến đường từ trung tâm xã đi xóm Hạ Lương vẫn còn 2,5km chưa được đổ bê tông, đường nhỏ hẹp và lầy lội. Đoạn từ trung tâm xóm Na Hấu lên khu Khau Kheo (có 7 hộ dân sinh sống) với chiều dài hơn 1km cũng là đường đất, dốc cao. Tuyến đường từ trung tâm xã đi xóm Thượng Lương cũng mới đổ bê tông được 4/7km. Đoạn đường từ trung tâm xóm Bản Nhàu dài 1,5km lên khu vực có 9 hộ dân sinh sống ở khu vực suối Khuông cũng chưa được đổ bê tông...

Từ khi triển khai Chương trình XDNTM đến nay, huyện Võ Nhai đã có gần 649/919km đường được cứng hóa (chiếm 70%). Trong đó có 254,1/298,1km đường trục xã, liên xã; 292/413km đường trục chính xóm, liên xóm; 85,5/168,1km đường ngõ xóm; 16,3/40km đường nội đồng. Mặc dù vậy, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở Võ Nhai vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay, toàn huyện mới có 7/14 xã đạt tiêu chí giao thông. Xã có tỷ lệ làm đường bê tông trục xóm, liên xóm thấp nhất là Nghinh Tường (10,6/25,5km, chiếm 41,6%). Xã Sảng Mộc chưa có đường ngõ xóm được đổ bê tông. Qua tìm hiều, chúng tôi nhận thấy khó khăn chủ yếu trong thực hiện tiêu chí này ở huyện là do các tuyến đường thường nhỏ hẹp, độ dốc cao dẫn đến mất nhiều kinh phí san lấp, giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng cao. Ngoài ra, do mật độ dân cư ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thưa thớt, sống không tập trung, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp tiền để giải phóng mặt bằng, mở mới, mở rộng, đổ bê tông các tuyến đường ở nhiều xóm, bản trên địa bàn huyện còn hạn chế.

Anh Lường Văn Hảo, Trưởng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc chia sẻ: Hiện nay, xóm có 3 nhánh đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 4km. Hiện tại, các tuyến đường này có chiều rộng nền đường khoảng 1m, chủ yếu đi qua đất lúa của các hộ dân. Để đổ đường bê tông, mỗi bên sẽ phải mở rộng ít nhất 1,7m trở lên mới đảm bảo theo quy định. Bà con có thể sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất đồi để làm đường nhưng đất ruộng thì không. Nguyên nhân là do một số hộ có diện tích đất ruộng rất ít, nếu hiến đất thì sẽ không có đất để canh tác. Một số người nghĩ rằng việc mở rộng các tuyến đường nội đồng là không cần thiết. Cùng với đó, mỗi hộ sẽ còn phải đóng góp một khoản tiền đối ứng khá lớn để giải phóng mặt bằng và đổ bê tông tuyến đường. Chúng tôi đã nhiều lần họp bàn với bà con, song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao.

Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai cho biết: Những năm qua, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện tiêu chí giao thông như: Vốn Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, vận động nhân dân hiến đất làm đường, huy động sự đóng góp từ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện... Tuy nhiên, số lượng các tuyến đường, chiều dài các tuyến đường phải đổ bê tông trên địa bàn huyện khá lớn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, nguồn xã hội hóa chưa nhiều. Trong khi đó, các nguồn lực đầu tư thường ưu tiên tập trung cho các xã đăng ký về đích NTM. Chính vì lẽ đó, việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông có nguồn kinh phí lớn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, huyện rất cần sự tăng cường thêm nguồn vốn của tỉnh và Trung ương vào thực hiện tiêu chí này. Huyện cũng sẽ tích cực vận động xã hội hoá, nhất là các doanh nghiệp để cùng chính quyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là về giao thông.

Đức Anh