Cải cách hành chính: Những điểm yếu cần khắc phục
Cập nhật: Thứ tư 15/04/2020 - 02:58
Trên 70% số hồ sơ bị chậm trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Trên 70% số hồ sơ bị chậm trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân trong tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Mặc dù công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh những năm gần đây đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, cơ bản được các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ghi nhận. Tuy nhiên, khi xem xét toàn diện cho thấy, công tác này vẫn bộc lộ những điểm yếu, cần sớm được khắc phục.

Một số đơn vị chậm triển khai kế hoạch của UBND tỉnh

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, từ đầu năm 2015 trở lại đây, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác CCHC rất sớm và trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ thường xuyên về nhiệm vụ này nhưng tiến độ thực hiện của một số đơn vị, địa phương trong tỉnh còn chậm. Từ đó, dẫn đến một số nhiệm vụ không hoàn thành theo kế hoạch, như: Chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC còn lúng túng; chưa chủ động đề xuất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC... Đồng chí Phạm Tuấn Cẩn, Trưởng Phòng CCHC (Sở Nội vụ) cho biết: Qua các đợt kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy vẫn còn người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, quan tâm đúng mức đến công tác CCHC. Đơn cử như danh mục nhiệm vụ trọng tâm thực hiện CCHC hàng năm đều được UBND tỉnh ban hành sớm, giao cụ thể cơ quan chủ trì nhưng vẫn còn một số đơn vị, địa phương thực hiện chậm, làm ảnh hưởng chung đến kết quả của cả tỉnh. Một vấn đề nữa là yêu cầu của UBND tỉnh phải báo kết quả công tác CCHC định kỳ theo quý, 6 tháng và cả năm nhưng có nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh chậm thực hiện, Sở Nội vụ liên tục phải nhắc nhở, đốc thúc.

Mất điểm vì sự chủ quan

Việc đánh giá kết quả công tác CCHC của các bộ, ngành, địa phương đã được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ cụ thể hóa thông qua các tiêu chí, chỉ số thành phần nên khi có đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến Chỉ số CCHC của tỉnh. Ví dụ như một số sở, ngành trong tỉnh chưa quan tâm, chú trọng việc tham mưu xử lý văn bản sau rà soát nên điều này đã ảnh hưởng đến Chỉ số CCHC của tỉnh. Đơn cử, năm 2019, còn 20 văn bản chưa xử lý thuộc thẩm quyền các sở, ngành (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng, Ban Dân tộc...).

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP còn một số nội dung thực hiện chưa được đầy đủ, nghiêm túc, như: Chưa cập nhật kịp thời và niêm yết đầy đủ thủ tục hành chính (TTHC); niêm yết thiếu TTHC, thiếu thành phần hồ sơ TTHC; niêm yết TTHC đã hết hiệu lực, không niêm yết yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết của TTHC; không niêm yết địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị, số điện thoại của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, của công chức trực tại bộ phận “một cửa”; hệ thống sổ theo dõi một cửa ghi không đầy đủ các thông tin (ngày tiếp nhận, ngày hẹn trả, số điện thoại, địa chỉ, ký nhận kết quả, mã hồ sơ…). Đa số các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa xây dựng bộ hồ sơ mẫu và video mẫu niêm yết tại bộ phận “một cửa” để hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ. Việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố kịp thời danh mục TTHC và xây dựng quy trình giải quyết nội bộ các TTHC còn chậm; chưa xây dựng được quy trình điện tử với các TTHC thuộc thẩm quyền ba cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; việc rà soát để giao tiếp nhận tại bộ phận "Một cửa" cấp huyện, cấp xã các TTHC thuộc thẩm quyền của Sở, ngành chưa được thực hiện. Đặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh chưa đi vào hoạt động nên chưa giải quyết được TTHC theo hướng nhanh, gọn và đúng pháp luật. TTHC thuộc lĩnh vực của cơ quan ngành dọc của tỉnh, như: Công an, quân sự, bảo hiểm xã hội, thuế…vẫn chưa được giải quyết đồng bộ theo hướng dẫn của tỉnh.

Nợ kết quả giải quyết TTHC

Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả TTHC đã được thành lập tại các sở, ngành, UBND 9 huyện, thành, thị và 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh để triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, giao giấy hẹn trả kết quả theo quy định đã niêm yết. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hồ sơ TTHC quá hạn, hẹn trả kết quả không đúng thời gian quy định; chưa thực hiện quyết liệt hướng dẫn công dân bằng phiếu; không lập phiếu hẹn, phiếu kiểm soát giải quyết hồ sơ; thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức khi hồ sơ TTHC quá hạn chưa triệt để. Một số nơi công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC còn yêu cầu thành phần hồ sơ không đúng quy định (lĩnh vực cấp phép xây dựng, đất đai...). Qua tìm hiểu thực tế tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại các huyện, thành, thị, chúng tôi thấy có người dân phản ánh việc quá thời gian hẹn trả kết quả trên phiếu nhưng cán bộ trực tại bộ phận “Một cửa” chỉ thông báo không có kết quả, chưa giải thích rõ lý do, khiến người dân không hài lòng. Bà Nguyễn Thị L. ở phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi lấy phiếu nhiều lần mới đến lượt được giải quyết TTHC về đất đai, nhưng lại bị chậm trả kết quả so với giấy hẹn. Cán bộ trực chỉ thông báo và cho số điện thoại của cán bộ giải quyết hồ sơ để tự liên lạc, tìm hiểu nguyên nhân.

Về việc chậm giải quyết TTHC, qua thống kê số liệu trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, năm 2019, huyện Phú Bình là địa phương có số hồ sơ quá hạn nhiều nhất (1.080 hồ sơ). Trong 2 tháng đầu năm 2020, huyện Định Hóa có 288 hồ sơ để quá hạn, huyện Phú Bình có 101 hồ sơ. Riêng T.P Thái Nguyên chưa hoàn thành việc nâng cấp hệ thống kết nối Cổng dịch vụ côngtrực tuyến của tỉnh nên chưa công khai hồ sơ giải quyết TTHC. Đồng chí Dương Ngọc Yên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Hồ sơ quá hạn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai do một số nguyên nhân chính như: Hệ thống lưu trữ sổ địa chính ghi không đầy đủ; việc cập nhật, chỉnh lý các biến động về đất đai sau khi có quyết định giao đất, thu hồi, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các biến động khác về đất đai trong suốt quá trình phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giải quyết giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ, kịp thời...

Ngoài những tồn tại nêu trên, trong công tác CCHC của tỉnh còn một số vấn đề yếu khác, như: Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại một số địa phương sử dụng hiệu quả chưa cao; tỷ lệ sử dụng thư điện tử của tỉnh trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp; cơ cấu cán bộ, công chức làm việc trực tiếp để giải quyết TTHC không hợp lý; tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 và hồ sơ tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích rất thấp; hệ thống ISO điện tử chưa được xây dựng và áp dụng tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh...

Để công tác CCHC của tỉnh đạt được cả về chiều rộng và chiều sâu, các cấp, ngành trong tỉnh cần sớm quan tâm giải quyết, khắc phục những vấn đề nêu trên.

Văn Hiến