Cập nhật: Chủ nhật 24/05/2020 - 07:56
Nước sạch về xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên).
Nước sạch về xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên).

Xa nhất, khó khăn nhất, thiếu thốn nhất và nghèo nhất - đó là cụm từ khi nhắc đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Bởi hiện nay khoảng cách chênh lệch về kinh tế - văn hóa xã hội giữa vùng đồng bào với trung tâm huyện, tỉnh được rút ngắn lại. Việc tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đã mở ra nhiều cơ hội cho đồng bào vươn lên, không bị tụt lại phía sau.

Hơn 20 năm trước, về huyện Võ Nhai công tác, tôi đi bộ từ xã Vũ Chấn, men theo tuyến đường sần sùi như sợi thừng đầy đá tai mèo buộc vào chân dải núi Khau Nao, qua Nghinh Tường vào Sảng Mộc. Bấy giờ cán bộ xã chỉ làm việc 3 ngày trong tuần. Trúng hôm nghỉ, mấy gian nhà gỗ cũ mèm của UBND xã đóng cửa im ỉm. Tôi quyết định đến thẳng nhà anh Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã để làm việc. Anh Đồng cởi mở, bảo: Địa phương không có nhiều việc, nên cán bộ tỉnh, huyện về thường làm việc luôn tại nhà cán bộ… Ngập ngừng giây lát, anh tiếp: Vì không có đường cho xe ô tô vào, nên ngô ngoài nương ngại lấy; lúa ngoài đồng ngại gặt, nhất là con lợn, con gà nuôi mãi chẳng có người vào mua.

Giờ đây giấc mơ của anh, của đồng bào vùng sâu, vùng xa về tuyến đường đã và đang thành hiện thực. Vì trên dọc đường đi, tôi gặp các đơn vị bộ đội công binh; các đơn vị xây dựng cầu đường đang khoan, troòng nổ mìn phá đá, hạ núi mở đường. Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tâm đắc: “Đại lộ, đại phúc”, câu nói này không chỉ đúng với nơi phố thị, mà hết sức có ý nghĩa đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ngoài ý nghĩa giao thương thuận lợi, trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào được nâng cao, cơ hội xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng không còn là điều khó. Hiện toàn tỉnh có hơn 384.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh, gồm 46 dân tộc khác nhau. Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự đồng thuận tham gia hiến đất của đồng bào, đến nay 100% số xã có đường ô tô về đến trung tâm; 99,67% hộ dân vùng núi được sử dụng điện lưới quốc gia. 91% số hộ đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đạt chuẩn về y tế. 100% xã đặc biệt khó khăn không còn phòng học tạm, tỷ lệ học sinh con em đồng bào đi học đúng độ tuổi được duy trì ở mức cao. Đặc biệt 72/114 xã có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả đã làm mất đi hình ảnh nghèo khó, lầm lụi của đồng bào ở vùng đất xa khuất. Tôi nghĩ như thế khi mỗi lần đi thực tế cơ sở, chạy xe bon bon trên những cung đường thoáng rộng, ngắm từng ngôi nhà mái đổ bê tông, hoặc lợp tôn xanh, đỏ chen lẫn giữa vườn cây ăn quả xanh tốt. Có lần ông Sùng Văn Khín, xóm Lũng Luông (Thượng Nung - Võ Nhai) cầm tay tôi lắc mạnh: Nhờ cái đường bê tông Nhà nước cho, quả ngô của dân được mang xuống núi bằng ô tô. Vật liệu làm nhà được ô tô  thay sức người cõng về núi… Câu chuyện ông Khín gợi tôi nhớ về nhiều năm trước đó, những vùng quê có nhiều đồng bào sinh sống đã được Nhà nước quan tâm mở đường. Đặc biệt là Chương trình 135 - Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều tuyến đường về xóm bản được mở mới, nhưng cơ bản chỉ mở được phần nền, nên nhiều tuyến đường vừa đưa vào sử dụng ít bữa đã bị hư hại nặng. Ví như tuyến đường về xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, nhiều đoạn bị mưa nguồn cuốn phăng đi, trơ lại những tảng đá to như thân trâu mộng chặn đường. Cuối năm 2019, ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng Phòng dân tộc huyện Võ Nhai đưa tôi trở lại tuyến đường đó. Nhiều khúc cua gấp được mở rộng, có đoạn núi được xẻ xuống nên cảm giác như đi qua cổng trời lên cao nguyên đá Hà Giang. Đường được trải bê tông, sau nhiều trận mưa rừng, nước xối từ núi xuống, đường vẫn “vững như bàn thạch”. Ông Hưng phấn chấn: Trong thời gian 5 năm gần đây, vùng đặc biệt khó khăn của huyện được Nhà nước đầu tư với tổng vốn hơn 88 tỷ đồng, chủ yếu cho xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất.

Ông Lý Văn Thành, xóm Phú Thợ, xã Phú Đô (Phú Lương) cùng đồng bào trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Những trục đường xù xì như sợi dây thừng về xóm bản năm nào được thay bằng đường bê tông, trông từ xa lại thấy giống dải dây lưng mềm của cô gái Tày thắt vào eo núi. Theo hệ thống giao thông là đường điện quốc gia, điểm trường mới, công trình nước sạch, nhà văn hóa… được xây dựng chắc chắn, khang trang tại các xóm bản. Cũng theo con đường mới là khoa học kỹ thuật sản xuất; vốn đầu tư ngân hàng và nhiều các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về với đồng bào. Ngay ở thị xã công nghiệp trẻ Phổ Yên, các chương trình mục tiêu quốc gia ví như cánh tay vươn dài về xóm bản. Bà Đặng Thị Thúy, Trưởng xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận nói lời từ lòng mình: Xóm có 78 hộ, người dân tộc Sán Dìu chiếm trên 90%. Đồng bào nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nhà nước, 100% số hộ ở xóm được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trẻ em đi học mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa 120.000 đồng/tháng/cháu. Con em theo học lên PTTH được hỗ trợ 60 kg gạo, 2,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ... Không phụ công ơn của Đảng, Nhà nước, người dân Sán Dìu chúng tôi nỗ lực vươn lên, nhanh chóng ổn định cuộc sống và hiện được xóa tên trong danh sách xóm bản vùng 135 của tỉnh. Đến xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức, bà Lý Thị Quân, Trưởng Ban Công tác mặt trận xởi lởi giới thiệu về các công trình giao thông, nhà văn hóa, công trình nước sạch… rồi thở phào như người vừa trút vơi gánh nặng: Nhờ ơn Chính phủ, người Sán Dìu miền Đầm Mương mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay. 

Có lẽ xa khuất nhất tỉnh phải kể tới vùng đất xóm người Dao Khe Khoang, xã Yên Ninh. Bởi đến được, chúng tôi phải đi hết đất huyện Phú Lương, sang các xã Yên Đĩnh và Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), rồi ngược qua Ba Luồng lên Khe Khoang. Không khách sáo, ông Đặng Văn Chu, Trưởng xóm nói mộc mạc: Ra ngoài thấy đường bê tông, nhà văn hóa; về nhà thấy máy móc nông cụ Nhà nước hỗ trợ. Nhưng đời sống của đồng bào Khe Khoang còn khó khăn lắm, còn 40/74 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 54%). Về xóm người Mông Phú Thọ, xã Phú Đô, tôi theo ông Lý Văn Thành đi thăm rừng, thăm rẫy, ông khoe vườn na  1.000 gốc bắt đầu cho quả vụ đầu, kể: Ngoài cây giống, gia đình còn nhận được 3 tạ phân bón và được tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả.

Hết cảnh du cư, từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, hướng tới sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình kinh tế trang trại do đồng bào làm chủ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tôi thở phào vì được lây cái vui đổi mới của đồng bào. Và biết rằng nông sản, lâm sản của đồng bào đã trở thành hàng hóa có giá trị, không còn đau đắng như câu chuyện người dân nói với tôi năm nào...

Phóng sự của Phạm Ngọc Chuẩn