Cập nhật: Thứ hai 01/06/2020 - 15:26
Không ít trường hợp phụ huynh  và  cả con em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Không ít trường hợp phụ huynh và cả con em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều hằng ngày, không khó để bắt gặp tại khu vực các cổng trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên hình ảnh nhiều phụ huynh học sinh đang chở con nhỏ đằng sau nhưng vẫn “vô tư” vi phạm Luật Giao thông Đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ. Tình trạng này đã được các cơ quan truyền thông phản ánh nhiều lần, xã hội đều lên án nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa rút kinh nghiệm.

Trưa thứ 6 ngày 22-5 vừa qua, khi đón con ở khu vực cổng Trường Tiểu học Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), tôi chứng kiến một người đàn ông đi xe SH trắng không đội mũ bảo hiểm vào đón con tan học. Khi ra khỏi cổng trường, cậu bé trèo lên xe bố ngồi, đầu cũng không đội mũ bảo hiểm.

Tình trạng bố mẹ vi phạm Luật Giao thông đường bộ như trên không phải là hiếm. Đáng nói, đây không phải là do vô tình quên không mang theo mũ, mà có phụ huynh còn treo mũ ở xe nhưng không đội. Điều 6, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. Nhiều bố mẹ đội mũ bảo hiểm cho mình, còn đội mũ mềm hoặc để con đầu trần ngồi trên xe máy. Thực tế tại nhiều cổng trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, chúng tôi thấy không ít bậc phụ huynh khi đưa, đón con đi học đều vô tư “kẹp 3,4” và không đội mũ bảo hiểm kể cả với người điều khiển phương tiện mô tô và người ngồi sau.

Thường xuyên đi sớm đưa con tới trường, tôi rất hay bắt gặp phụ huynh dắt con sang đường, khi đèn đỏ còn báo hiệu 10 giây nữa mới đến đèn xanh nhưng vẫn đưa con băng qua. Tôi bỗng nghe thấy tiếng một cậu bé thắc mắc: Bố ơi: Sao đang đèn đỏ mà lại đi. Ở lớp, cô giáo con dạy rằng đèn đỏ phải dừng lại, đèn xanh mới được đi qua đường. Ông bố chống chế: Đường đang vắng, tranh thủ đi nhanh bố về còn đi họp con ạ.

Đây có lẽ không phải hành vi hiếm, bởi trên thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh tự cho rằng việc vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm là chuyện nhỏ. Nhiều người còn lấy lý do, nhà gần, chưa đến 1km là tới cổng trường, đi ù một tý sao phải đội. Có người còn tư tưởng có công an đâu mà phải đội mũ. Thế nhưng, hậu quả đằng sau là chính trẻ em lại “sao chép” đúng hành vi của người lớn. Ai dám chắc những em học sinh bây giờ, ở độ tuổi lớn hơn khi tham gia giao thông lại không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ giống như bố, mẹ mình trước đây. Bởi vì các em đã chứng kiến bố mẹ, người lớn xung quanh từng vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm và coi đó chỉ là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng đã tạo hình ảnh xấu của bản thân trong mắt các con khi dừng đỗ xe lộn xộn khi đưa đón con đi học trước cổng trường lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc giao thông đường phố và mất mỹ quan đô thị.

Rõ ràng, việc giáo dục con cái chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ không chỉ giúp các con sau này trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ. Những bài học về Luật Giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông các con được học trong nhà trường chắc chắn sẽ được phát huy hiệu quả hơn khi các con nhìn được nhìn tấm gương của chính bố mẹ mình để noi theo.

Xin kết thúc bài viết bằng lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên): Con trai tôi học lớp 3, có lần mẹ vội đi làm đưa con đi học quên không đội mũ bảo hiểm cho con, con cứ nhắc mãi mẹ không thể khiến con vi phạm Luật. Giờ đã thành thói quen, trước khi lên xe, hai mẹ con đều nhắc nhau đội mũ bảo hiểm rồi mới nổ máy. Tôi nghĩ, việc cha mẹ làm gương cho các con khi tham gia giao thông là điều vô cùng cần thiết để giúp các con hình thành thói quen tốt cho sau này.

Duy Phương