Ra trường tôi xin được làm chân biên tập viên nhà xuất bản chuyên xuất bản sách văn học. Giấy phép thế thôi nhưng chúng tôi làm thượng vàng hạ cám. Tử vi, tướng số, nấu ăn… “bắt” hết. Thời buổi này kén cá chọn canh thì các nhà xuất bản sập tiệm. Công việc của tôi á? Chẹp. Sửa sang bản thảo của khách hàng. Đại loại câu này dùng dấu chấm hay dấu hai chấm, chữ x hay chữ s... Rồi thì kết cấu tác phẩm ổn chưa? Chưa ổn lắp đoạn này vào đoạn kia, cắt chỗ nọ thêm chỗ kia. Tôi xẻo, tôi xén. Tôi “khâu” đoạn dưới lên đoạn trên, tôi gạch bút đỏ lòe loẹt. Đấy, ba mươi bẩy năm cuộc đời tôi mài đũng quần trên một cái ghế, trong một góc phòng. Làm công ăn lương mà ông. Miễn sao đến ngày có lương. À nhưng mà nghề tôi lắm cái lạ. Đơn cử như có một tay học hàm học vị cao ngất, gã đăng đàn thì người nghe há hốc mồm. Một ngày đẹp trời , tôi được sếp gọi lên phòng:
- Xin giới thiệu với với giáo sư, tiến sĩ, đây là anh Hoạt, biên tập viên kỳ cựu của chúng tôi. Còn giới thiệu với anh Hoạt, diễn giả nổi tiếng anh vẫn ngưỡng mộ đang có nhu cầu ra sách. Chúng tôi tin cậy giao cho anh.
Tôi nâng tập bản thảo dày bằng viên gạch xỉ, lòng tràn đầy hứng khởi. “Nghệ thuật hùng biện”. Tất nhiên là tôi đọc ngấu nghiến. Trời ơi là trời, tôi “nhá” phải “sạn” liên tục. Mà “sạn” bằng tảng đá ấy. Tôi mất đúng một tháng sửa từng dấu chấm, dấu phẩy, thêm chủ ngữ, vị ngữ, cắt chữ này, dán chữ kia. Cái hôm ra sách gã làm to lắm. Các nhà phê bình ngồi kín hai hàng ghế. Cuối buổi, tôi gặp riêng gã, “xổ” ra một hồi: “Anh nói giỏi nhưng anh viết không bằng đứa học sinh cấp hai”. Ông bảo gã có tức nổ họng không á? Gã cười hì hì. “Em cảm ơn đại ca. Em biết đại ca mệt vì em. Nhưng anh thấy đấy, sách hay là do người viết. Chỉ khi nào sách dở người ta mới gõ đến nhà xuất bản. Phận các anh là chịu thiệt thòi mà.
Ấy ấy, tạm dừng tý tâm sự tiếp nhá, mụ vợ tôi nó về…
***
A lô, tôi đây. Tôi vào phòng riêng rồi. Kệ bà í kỳ cạch nấu nướng dưới nhà. Ông có bận gì không? Ông cũng “thiên thời địa lợi” như tôi hả. Ha ha ha…
Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À à, cái tay giáo sư, tiến sĩ ngồi xổm lên tiếng Việt. Úi, người như hắn nhan nhản ông ạ. Nhìn đâu xa mười sếp nhà tôi viết sai chính tả cả mười. Ông bảo thế có “đau” không? Cảm ơn ông đã hỏi thăm vợ con tôi. Ra trường hai năm tôi lấy vợ. Bà ấy trước là cô giáo trường làng. Cái đận nghề giáo chả đủ sống, bà ấy bỏ nghề chạy chợ. Mà lạ ông nhá. Hồi tìm hiểu nhau, tôi tuyệt nhiên không thấy bà ấy có gì bất ổn, mà sau lắm cái “cập kênh” ở đâu nó thòi ra. Riêng tật nói ngọng, tôi sửa cho mấy chục năm vẫn “nòng nợn” với “nông nợn” diễn đều. Nhìn vợ chỗ nào cũng thấy phải biên tập. Mà đoảng trần đời ông ơi. Ai lị bộ ấm chén uống nước có sáu cái thì mẻ năm. Vào chỗ bà ấy nấu nướng mới kinh. Dao thớt dùng đồ sống đồ chín lẫn lộn. Tôi mang về quyển sách “Quy tắc sống văn minh”. Họ dạy từng li từng tí. Vợ tôi xem qua tên sách, lật lật hai trang rồi…ngáy. Bữa ăn mới kinh ông ạ. Ông đã đọc cuốn “Nguyên tắc ăn uống của người Việt” chưa? Chính tay tôi làm cuốn ấy. Dạy từ xới cơm, chấm rau vào bát nước mắm, húp thìa canh sao cho lịch lãm vệ sinh. Cái thời ông bà mình nền nếp xa quá rồi ông nhỉ? Giờ chả còn phép tắc gì cả.
À vâng, tôi có nhõn thằng con trai. Chả mấy khi bố con nói chuyện được với nhau. Theo tử vi thì nó khắc bố. Động mở mồm thì nó bảo bố nói như đài. Nó là diễn viên ông ạ. Nó bảo nghệ sĩ phải ăn mặc “bụi bậm”. Tôi chìa cho nó xem cuốn “Quần áo nói lên con người”.Theo sách này thì nó chỉ vào dạng “cà bông cà chớp”. Hôm nó dẫn con người yêu về mới hãi. Ai đời ra mắt bố mẹ chồng tương lai mà mặc cái váy vải chỉ chờm qua tí mông. Móng tay dính đá lởm chởm. Ăn cơm xong thằng con mình loe xoe rửa bát vì sợ đứa kia hỏng móng tay. Tôi dẹp luôn. Tôi đã đọc một tài liệu về nhân tướng học. Con ấy có tướng sát chồng. Đến đứa thứ ba nó đưa về tôi cũng không ưng. Được người được nết, nhưng giọng nói hơi… ồm ồm. Theo sách, đàn bà nói tiếng đàn ông, thì…
Ông chờ tôi tí nhé. Dạo này tôi hay buồn tiểu. Mấy phút lại đi một lần. Khó chịu ghê ông ạ.
***
Sức khỏe ông thế nào? Ơn trời thế thì mừng quá. Tôi nghỉ hưu là bệnh tật ùa đến. Đầu tiên là “thằng” mắt phản. Nhà xuất bản họ cũng tạo điều kiện cho ít quyển về làm thêm, nhưng có đọc được đâu mà biên mới chả tập. Năm ngoái tôi bị tai biến, tưởng ngồi xe lăn suốt đời. Chuyện là thế này. Cái tay giáo sư, tiến sĩ tôi kể lúc nãy ấy ra tập II “Nghệ thuật hùng biện”. Hôm xem ti-vi thấy lễ ra mắt sách hắn làm còn hoành tráng hơn lần ra tập I. Tôi ra hiệu sách mua một quyển về đọc. Ối cha mẹ ơi. Ối làng nước ơi. Bao nhiêu “hạt sạn” như “hòn đá tảng” ngày trước tôi cặm cụi nhặt sạch thì giờ chình ình trong sách. Tôi tức quá gọi điện cho thằng biên tập, mắng một trận. Nó cười hề hề bảo “Ai đọc mà bác lo. Bác không thấy người ta khen đầy trên mặt báo à”. Tôi lại bốc máy gọi cho tay tác giả. Tôi bảo “Xin anh đừng ném chất bẩn vào tiếng Việt nữa”. Nó cười khớ khớ một tràng, đủng đỉnh: “Đại ca ơi, về hưu rồi, sống vui sống khỏe đi, thiên hạ để người khác lo”. Tôi choáng ngất. Tỉnh đã trong viện rồi. Bác sĩ bảo may vào kịp. Tôi chậm nói, chậm nghĩ mất gần một năm ông ạ.
Úi dà, thơm quá, ông có ngửi thấy mùi gì không? Mụ vợ tôi nấu cháo nòng” đấy. Hà hà, cháo “nòng” của mụ ngon lắm ông ạ. Những ngày nằm viện tôi mới biết mụ bán thịt “nợn” và nấu cháo “nòng” nổi tiếng cả tỉnh. Ông bảo sao cơ? Cuộc đời kỳ lạ hả? Ha ha ha…Thôi tôi chào ông đã nhé, xuống nhà ăn cháo “nòng” kẻo nguội.