Hôm đó là ngày 26/11/2007, chúng tôi họp đoàn bàn về chuyến đi Campuchia để quay tập 5 của bộ phim có tên:Trên đất nước Ăngkodo tôi phụ trách. Quay phim là nhà báo Thế Hà (nay là Trưởng phòng Kinh tế Báo Thái Nguyên).
Tôi được phân công thảo công văn gửi sang UBND tỉnh đề nghị tỉnh có Thư gửi Đại sứ quán Campuchia và các tỉnh liên quan như Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An (những nơi anh Vũ Xuân đã từng đóng quân và chiến đấu).
Tôi và nhà báo Xuân Hòa (nay là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông) cầm thư của UBND tỉnh về làm việc với Đại sứ quán Campuchia thì mới biết vấn đề không đơn giản như thế. Người tiếp tôi ở Đại sứ quán hôm đó nói tiếng Việt rất giỏi. Anh ta cho biết phải có Công hàm của Đại sứ quán Việt Nam gửi cho Đại sứ quán Campuchia. Sau đó, Đại sứ quán Campuchia ra văn bản cho phép đoàn làm phim và gửi văn bản về Bộ Văn hóa Thông tin của hai nước thì chúng tôi mới được phép mang máy móc sang quay phim.
Tình hình có vẻ phức tạp. Đối với một người chưa từng ra khỏi biên giới Việt Nam như tôi lúc đó thấy mọi thứ rối bời. Tự nhiên tôi “thông minh đột xuất”, hỏi: - Vậy, chúng tôi đi theo con đường du lịch có được không? Anh ta trả lời: - Chúng tôi không trả lời là được. Anh chị cứ sang Bộ Ngoại giao hỏi xem sao?
Tôi và nhà báo Xuân Hòa vội hỏi đường sang Bộ Ngoại giao. Lúc ấy đã 11 giờ trưa. Tôi “xông” vào cổng Bộ (vì lo sắp hết giờ làm việc) và bị bảo vệ ngăn lại. Tôi nhờ bảo vệ gọi điện cho tôi được gặp Chánh Văn phòng Bộ và bị từ chối ngay, “Chị có hẹn trước không?” Sau nghĩ lại tôi thấy mình đúng là “điếc không sợ súng”. Gặp Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao mà tưởng như gặp người nhà mình không bằng! Đứng ngơ ngác ở cổng Bộ một lúc, tôi thấy một người dắt xe máy đi ra, nhìn mặt người đó có vẻ thân thiện, tôi bèn tiến lại hỏi xem ông Chánh Văn phòng Bộ có nhà không? Sau khi nghe tôi nói vắn tắt lý do, người này chỉ tôi sang bộ phận phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao (cách đó một con phố). Tôi và đồng chí Hòa đi như chạy sang, hỏi thăm một lúc thì tìm ra ông Trưởng phòng phụ trách Báo chí. Lúc này đã hết giờ làm việc, nhưng ông Trưởng phòng và các nhân viên vẫn ngồi lại nghe hai chị em trình bày. Họ bảo: Việc sang nước ngoài làm phim về Liệt sĩ như chúng tôi thì họ chưa từng gặp. Theo đúng bài bản thì ông Đại sứ quán Campuchia chỉ dẫn là đúng. Nhưng nếu theo con đường hành chính ấy thì phải vài tháng mới xong thủ tục.
Tôi lại ướm: - Chúng tôi làm hộ chiếu rồi đi như khách du lịch có được không?
Ông Trưởng phòng Báo chí trả lời: - Tôi không khuyên anh chị làm theo hướng đó, nhưng đó là cách nhiều người đã làm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hơn cho đoàn, tôi đề nghị anh chị có văn bản soạn thảo bằng tiếng Anh gửi Bộ Ngoại giao Campuchia, cứ fax về đây để chúng tôi giúp.
Trở về cơ quan, chúng tôi báo cáo lãnh đạo và làm theo chỉ dẫn của Phòng Báo chí Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, ông Phan Hữu Minh, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Tổng đạo diễn bộ phim vẫn thấy chưa yên tâm. Rất may, ở Campuchia ông Minh có người bạn học cùng đại học là anh Trần Chí Hùng, Trưởng Phân xã, Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia. Theo gợi ý của anh Hùng, chúng tôi đến nhờ anh Kiệm trưởng phòng Ngoại vụ UBND tỉnh soạn thảo giúp một văn bản bằng tiếng Anh, gửi sang cho ông Hùng để ông Hùng làm việc với Bộ Văn hóa Thông tin Campuchia. Nhờ sự trợ giúp của ông Hùng, chúng tôi có Giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin Campuchia, nội dung: Từ ngày X đến ngày Y, sẽ có đoàn làm phim của Báo Thái Nguyên đến quay phim ở các tỉnh: Phnômpênh, Xiêm Riệp, XtungTreng, Campot… đề nghị các địa phương giúp đỡ.
Vậy là yên tâm về thủ tục. 8h25 phút ngày 12/12/2007, chúng tôi có mặt trên máy bay số hiệu VN 841 cất cánh đi Campuchia.
Còn rất nhiều kỷ niệm trong gần 1 năm chúng tôi làm phim. Thực sự, Liệt sĩ Vũ Xuân đã “tặng” chúng tôi rất nhiều. Món quà đó không chỉ là vùng đất mới đến, con người mới gặp, mà còn là sự trưởng thành của mỗi người, trong đó có tôi.
* (Minh Hằng - Người làm tập 1 và 5)