Nói về công tác bảo tồn và lưu truyền điệu múa Tắc xình trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Định Hoá cho biết: Hiểu được giá trị của điệu múa Tắc xình, những năm qua, huyện Định Hóa đã quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Sán Chay thông qua việc thực hiện Đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch. Chúng tôi đã tổ chức các lớp truyền dạy điệu múa Tắc xình để cung cấp kiến thức cơ bản về loại hình dân vũ này cho những người yêu thích. Đối tượng truyền dạy được hướng đến là học sinh tiểu học, THCS và cộng đồng những người dân tộc, những hạt nhân văn nghệ ở trên địa bàn. Sau mỗi lớp học, mỗi học viên trở thành nòng cốt để biểu diễn và hướng dẫn những người xung quanh cùng tập luyện. Cùng với đó, huyện cũng tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, khuyến khích các đơn vị tham gia biểu diễn Tắc xình. Qua đó, điệu múa được đông đảo bà con biết đến và tạo được hiệu quả lưu truyền rộng rãi.
Tại xã Tân Thịnh, địa phương có trên 50% dân số là người dân tộc Sán Chay, phong trào tập và biểu diễn điệu múa Tắc xình được rất nhiều người dân hưởng ứng. Cô Phạm Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thịnh cho hay: Nền nhạc Tắc xình rất vui tươi, điệu múa rất độc đáo nên được rất nhiều học sinh trong Nhà trường yêu thích và đăng ký theo học.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của điệu múa Tắc xình còn có đóng góp lớn của những người cao tuổi, người uy tín trong cộng đồng người dân tộc Sán Chay. Nghệ nhân dân gian Lường Phúc Thắng, thôn Khau Lang, xã Tân Thịnh nói: Tắc xình có cả thảy 20 động tác với thời gian biểu diễn lên đến gần 1 giờ. Hiện tại, tôi đã nhớ và truyền dạy rộng rãi được 15 động tác, chủ yếu mô phỏng các hoạt động trồng trọt, gieo hạt, thu hoạch cho đến múa hát mừng mùa màng bội thu...
Được biết, huyện Định Hóa hiện có trên 9.000 người dân tộc Sán Chay, chiếm khoảng 10% dân số. Dưới sự hỗ trợ và khuyến khích của huyện, 3 xã tập trung nhiều người dân tộc Sán Chay sinh sống là: Tân Thịnh, Phú Đình, Sơn Phú đều thành lập và duy trì hoạt động ổn định được 10 câu lạc bộ, đội múa biểu diễn và lưu truyền điệu múa Tắc xình để gìn giữ và bảo tồn loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc này. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát bản điệu múa Tắc xình nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay nói chung.