Từ đảo tròn T.P Thái Nguyên, xuôi theo đường Hoàng Văn Thụ rẽ vào đường Chu Văn An, ngõ 26, chúng tôi đến Vĩnh Xuân trà. Nhẹ tay đẩy cánh cửa khép hờ, vén bức rèm gỗ nâu trầm chúng tôi bước vào một không gian rất khác so với những ồn ào bên ngoài. Không quá rộng nhưng chẳng hẹp, Vĩnh Xuân trà đủ để bày dăm ba bàn trà tre trúc và những đồ vật đã đi cùng năm tháng để khách trở về một miền xa xưa đầy hoài niệm: Góc này là ti vi đen trắng; góc kia là những đó, nơm; chiếc xe đạp khung; chiếc chảo rang chè truyền thống giờ chỉ còn xuất hiện ở những hội thi chè… Ở đây mọi thứ được chọn lựa cẩn trọng, đồ vật trang trí và bày biện tưởng “ngẫu hứng” nhưng lại mang dụng ý nghệ thuật, toát lên sự cầu toàn và trân trọng thực khách của chủ quán. Mỗi bàn đều được bài trí một khoảng cách vừa đủ để người đến thưởng trà có không gian trò chuyện.
Một góc không gian Vĩnh Xuân trà
Có khách, nữ chủ nhân Vĩnh Xuân trà ngừng tay cắm hoa sen, chuẩn bị bày một bàn trà. Nhìn đôi tay thuần thục từng động tác pha trà của chủ quán tôi nghĩ đến những trà nương trong các hội trà mà tôi có dịp được chiêm ngưỡng. Mạn đàm về trà, chủ nhân thong thả: - Để có một ấm trà ngon, việc chuẩn bị trà, nước, ấm pha, và chén cũng phải tuân theo một yêu cầu nhất định. Ấm và chén là gốm sứ, có tính giữ nhiệt và lưu giữ tốt nhất hương thơm của trà. Chén uống trà là chén loại nhỏ, uống nhâm nhi để cảm nhận hương vị của nó từ đầu lưỡi. Uống trà có thể là độc ẩm (uống một mình), đối ẩm (hai người) hoặc quần ẩm (nhiều người), nên người xưa có câu: “Trà tam, rượu tứ”. Một cuộc trà đúng lễ phải hội đủ những tiêu chí: Nhất thủy (nước pha trà phải ngon); nhì trà (loại trà tinh túy); tam bôi, tứ bình (dụng cụ và cách thức pha trà phải chuẩn); ngũ quần anh (tri kỉ cùng thưởng trà).
Cô đồng nghiệp mơ màng: - Mỗi cái tên đều mang một thông điệp nhất định. Sao quán này lại là Vĩnh Xuân trà mà không phải cái tên nào khác.
Chủ quán mỉm cười, giọng nhẹ như mây: - Vĩnh Xuân trà khởi nguồn từ môn phái Vĩnh Xuân Quyền. Vĩnh Xuân Quyền là môn võ của mùa Xuân, cònVĩnh Xuân trà là trà của mùa Xuân vĩnh hằng. Chúng tôi gây dựng Vĩnh Xuân trà mong muốn tạo ra một không gian thưởng Trà đúng nghĩa để quảng bá sản phẩm Trà Thái Nguyên. Đến đây, bạn sẽ được thưởng trà, tìm hiểu về văn hóa trà. Chúng tôi sẽ hướng dẫn pha trà nếu khách có nhu cầu trải nghiệm. Trà cũng như người bạn tâm giao, giúp cho người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái. Một chén trà ngon cũng làm lay động những sâu kín trong tâm hồn con người, đem lại sự dịu dàng, thanh thản…
Nhắp chén trà chủ nhân đặt trước mặt, cảm nhận vị ngọt hậu nơi đầu lưỡi, trong ánh đèn nâu vàng trầm tĩnh, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Nhắp chén trà thứ nhất
Da thịt bỗng toả hương
Đời thực thành cõi mộng
Trần gian hoá thiên đường
Ta nâng chén thứ hai
Cho đất trời tinh khiết
Tâm ta bừng sáng ra
Biết thêm điều chưa biết
Mai sau đời dẫu tuyệt
Chắc gì hơn lúc này
Nào nhâm nhi chén nữa
Hai đứa mình cùng… bay
(Đầu xuân uống trà cùng bạn).
Chẳng biết nhà thơ đã đặt chân đến đây chưa, nhưng quả thực thơ ấy rất hợp với cảnh này.