Cập nhật: Thứ ba 21/07/2020 - 08:25
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ba tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được khôi phục chạy lại sau một thời gian bị tạm dừng do dịch COVID-19 hoặc giảm tần suất khai thác do lượng khách ít.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện chính sách chạy tàu an sinh xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ba tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được khôi phục chạy lại sau một thời gian bị tạm dừng do dịch COVID-19 (từ ngày 16-3) hoặc giảm tần suất khai thác do mật độ khách đi ít, doanh thu không đủ bù chi phí.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mỗi năm, để duy trì vận hành 3 tuyến tàu an sinh, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) lỗ tới 20 tỷ đồng với tần suất mỗi ngày một chuyến.

Chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh thì quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt sẽ không được duy tu, bảo trì thường xuyên sẽ xuống cấp, hư hỏng và đây là điều lãng phí cực lớn.

Tổng Công ty Đường sắt kỳ vọng có chính sách hỗ trợ để bù đắp các chi phí cho các đơn vị vận tải đường sắt để có thể duy trì các tuyến tàu.


Theo HNMO