Cập nhật: Thứ năm 23/07/2020 - 14:51

Uy tín, phẩm chất và năng lực của những người được bầu vào cấp ủy các cấp tạo nên sức mạnh và niềm tin tưởng của đảng viên, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, đổi mới công tác bầu cử trong Đảng để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng trong điều kiện phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang là một yêu cầu có tính cấp thiết.

Đảng ta luôn coi trọng công tác bầu cử, xem đây là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Nhiều nhiệm kỳ qua, cùng với đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, công tác bầu cử trong Đảng cũng có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng. Các quy định về bầu cử trong Đảng luôn bám sát và tuân thủ đúng Điều lệ, các nghị quyết đại hội (ĐH) Đảng, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW), Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác xây dựng Đảng và yêu cầu, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng trong từng giai đoạn.

Mới đây, ngày 20/3/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW về một số vấn đề cụ thể trong thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng (Hướng dẫn số 03-HD/TW). Theo đó, có ba sửa đổi, bổ sung lớn thể hiện chặt chẽ hơn nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Cùng với đổi mới về lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy và kiểm phiếu bằng máy tính, lần đầu tiên Đảng quy định rõ trách nhiệm người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự cấp ủy tại ĐH.

Để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, năm 2014 BCHTW Đảng đã ra Quyết định số 244-QĐ/TW ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng với nhiều quy định chặt chẽ. Theo đó, khi đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình chuẩn bị danh sách đề cử thì các ủy viên cấp triệu tập ĐH sẽ không được tự ứng cử cũng như không nhận đề cử ở ĐH nữa. Tuy nhiên, ràng buộc này không ngăn cản hoàn toàn quyền đề cử, tự ứng cử ở ĐH. Bởi khi ra ĐH, các đại biểu vẫn có thể giới thiệu đảng viên khác; và đảng viên không phải là cấp ủy viên triệu tập ĐH vẫn có quyền tự ứng cử, nhận đề cử để xem xét đưa vào danh sách bầu cấp ủy khóa mới. Việc giới thiệu, đề cử, nhận đề cử, tự ứng cử tại ĐH không phải qua các quy trình chặt chẽ như các ứng viên đã nằm trong danh sách do cấp ủy chuẩn bị. Khiếm khuyết này đã được Ban Tổ chức Trung ương phát hiện qua tổng kết ĐH đảng bộ các cấp khóa XII của Đảng và có phương án khắc phục, thể hiện trong Hướng dẫn số 03-HD/TW.

Hướng dẫn lần này được bổ sung một điểm riêng về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại ĐH. Cụ thể: “Tại ĐH, người đề cử nhân sự tham gia cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước ĐH về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp uỷ của người mà mình đề cử. Sau ĐH, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng”.

Đây là bổ sung rất quan trọng. Vì thực tế qua các kỳ ĐH có hiện tượng đến ĐH, có khi do cả nể nhau, xuề xòa các đại biểu tiếp tục giới thiệu (ông giới thiệu tôi, tôi giới thiệu ông...). Như thế, nếu cứ đưa hết vào danh sách bầu cử thì sẽ khó đảm bảo chất lượng, chưa kể không công bằng với số ứng viên đã được các cơ quan chuyên môn, cấp ủy rà soát, thẩm tra kỹ qua các bước thực hiện quy trình nhân sự.

Triển khai ĐH các chi bộ, đảng bộ cơ sở, cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã có trường hợp xảy ra. Trong ĐH chi bộ, có đồng chí cấp ủy viên khóa cũ không có trong danh sách do cấp ủy đề cử nhưng ra ĐH vẫn được đảng viên giới thiệu tái cử (theo quy chế bầu cử thì đồng chí này không được nhận đề cử); hoặc cũng có trường hợp ra ĐH lại phát sinh thêm nhân sự được giới thiệu bổ xung... Nhưng do khâu chuẩn bị của cấp ủy các cấp cẩn thận, lại có sự giám sát, hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên ngay tại ĐH nên không có trường hợp nào thực hiện sai quy chế.

Có thể nói, quy chế, hướng dẫn bầu cử trong Đảng ở từng cấp, từ Trung ương đến địa phương đều chuẩn bị khá đầy đủ, song nếu chúng ta chủ quan, không nghiên cứu kỹ, nhất là những điểm mới của mỗi kỳ ĐH sẽ rất dễ phát sinh những tình huống không thể lường hết được. Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng nêu rõ: Cấp ủy viên cấp triệu tập ĐH không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy. Một số đồng chí đảng viên dù đã nghiên cứu nhưng lại hiểu phiến diện, cho rằng quy chế này chỉ dành cho ĐH cấp đảng bộ, còn đối với chi bộ thì không cần. Trong khi đó quy chế được áp dụng từ cấp chi bộ đến BCHTW.

Bầu cử trong Đảng không chỉ giúp lập ra các cấp ủy đảng để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng mà còn là căn cứ có ý nghĩa quyết định để Đảng phân công cán bộ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị. Đây là công tác vô cùng hệ trọng, bảo đảm cho mọi đảng viên thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Điều lệ Đảng để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín vào cấp ủy một cách dân chủ, nghiêm túc. Những đổi mới công tác bầu cử trong Đảng sẽ luôn là tiền đề, là cơ sở quan trọng để đổi mới chế độ bầu cử của Nhà nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Phương