Khi ấy tôi vừa tròn 18, tuổi trẻ hừng hực với bao hoài bão và khát vọng. Tôi luôn ao ước mình sẽ được đặt chân vào giảng đường của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Và rồi, ước mơ ấy đã thành hiện thực khi tôi chính thức trở thành tân sinh viên Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (trước đây gọi là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
Lần đầu tiên theo bố về Hà Nội, tôi được đi trên con tàu với những toa nối nhau dài như con rắn khổng lồ. Thích nhất là cảm giác được ngắm những đồi cây với muôn vàn đóa hoa dại; được tận mắt nhìn thấy Núi Đôi, thuộc địa phận Sóc Sơn, Hà Nội (trong bài thơ Núi Đôi của tác giả Vũ Cao); được làm quen với các anh, chị sinh viên năm trước…
Từ lần đi tàu đầy bỡ ngỡ ấy, sau này, tôi đã trở thành “thánh” trốn vé. Thời ấy, sinh viên chúng tôi nghèo lắm, ngoài tiền học phí bố mẹ cho, chúng tôi chỉ được cho đôi, ba trăm nghìn tiền sinh hoạt phí (bao gồm cả ăn, ở, đi lại) nên khi về quê, đi tầu hỏa là sự lựa chọn “thông minh” nhất vì giá vé rẻ, lại có thể trốn vé. Mỗi lần về nhà, tiền “khô cháy túi”, tôi chỉ đủ ngân lượng mua khoảng 2 chặng (tàu đi về Hà Nội về Thái Nguyên sẽ dừng lại ở nhiều ga đi tàu). Đến ga Đồng Quang (T.P Thái Nguyên), gặp cô, chú gác ở cổng soát vé, biết hoàn cảnh của lũ sinh viên nghèo, nên mọi người cũng chỉ nhắc nhở qua loa, lấy lệ rồi để lũ chúng tôi thoát…
Ra khỏi cửa, tôi ba chân, bốn cẳng phi về nhà (ngày xưa không có điều kiện liên lạc điện thoại như bây giờ). Cuốc bộ hơn 2km về nhà chỉ như một cái hắt hơi. Nhác thấy con gái, bố mẹ mừng lắm! Đứa em gái út thấy chị về cũng hò hét chói tai vì bất ngờ. Tối ấy, y như rằng một con gà trong chuồng sẽ bị bắt làm thịt. Vậy là sau những ngày ăn uống qua loa, tôi lại được ních đầy bụng những món ăn khoái khẩu. Đúng là nhà là nơi ta yêu thương và cho ta thương yêu, mang đến cho ta cảm giác thật ấm áp và bình yên.
Về nhà trong tình trạng “đói kém” là vậy nhưng khi từ nhà quay trở lại trường, chúng tôi ai cũng tay xách, nách mang. Mỗi lần chở tôi ra ga tàu trên chiếc xe cup 81 đã nhuốm màu thời gian, bố lại cẩn thận mua cho tôi tấm vé, mang đồ đạc vào tận sân ga cho tôi, khi thì nải chuối, quả bưởi, túi gạo, lúc thì bó mía, mớ rau, vài cân khoai lang… Lúc tàu dừng lại đón khách ở sân ga, theo thói quen, lần nào tôi cũng kiếm tìm bóng dáng người đàn ông yêu thương tôi nhất cuộc đời này. Đứng ở phía xa, ánh mắt ông dõi theo tôi đầy trìu mến. Nhìn bố, trong lòng tôi lại rưng rưng…
Kết thúc mấy năm đại học, tôi lại được trở về với bố, mẹ và sống trong sự yêu thương, đùm bọc của gia đình. Tôi ở nhà được hai năm thì dì út lại xuôi về thủ đô học đại học. Vậy là những chuyến tàu lại gắn bó với em tôi. Lúc này, tóc bố, mẹ đã bạc thêm một chút nên nhiệm vụ đưa em ra ga tàu không lần nào tôi thoát. Lần nào nó về, tôi cũng phải nhận nhiệm vụ đón, đưa nhưng tôi rất hạnh phúc. Càng vui hơn khi thấy con bé hay nũng bố, mẹ, các chị ngày nào đã trưởng thành hơn theo tháng năm.
Mỗi khi xuống tàu, thấy tôi ra đón, dì út lại ríu rít trò chuyện với chị từ lúc ở sân ga cho đến tận lúc về đến nhà. Trong mỗi câu chuyện, nó nói về đám bạn cùng lớp; những cô, thầy khó tính; bà chủ nhà trọ nhân hậu, bô lô, ba la và cả chú bán bánh mì trên tàu không thể nghe, nói nhưng lại rất thân thiện. Theo lời kể của nó, tôi lại hình dung ra người đàn ông có dáng người cao, gầy, lần nào đi tàu từ Hà Nội về, tôi cũng bắt gặp chú lên ở ga Đông Anh (Hà Nội). Khi xuống ga Đồng Quang, chú gánh trên vai hai túi bánh mì to tướng. Một phần bánh được bán buôn cho những cửa hàng kinh doanh nằm ngay sát ga tàu. Phần còn lại sẽ được mang đi bán rong ở các khu dân cư trong lòng thành phố. Khi bán hết, chú tìm chỗ nghỉ trọ bình dân rồi đợi đến sáng hôm sau mới theo chuyến tàu sớm (Thái Nguyên - Hà Nội) trở về nhà để chuẩn bị chuyến hàng mới…
Ra trường, đi làm gần chục năm, tôi vẫn bắt gặp bóng dáng người đàn ông “khiếm thính” ấy đi len lỏi trên những con phố của thành phố Thái Nguyên bán từng chiếc bánh mì. Nghe nói, “đôi vai’ của người đàn ông ấy gồng gánh gánh nặng mưu sinh để chăm lo cho người vợ và ba đứa con đang tuổi ăn học.
Từ cái thời bánh mì Hà Nội vẫn được coi là đặc sản ấy, người đàn ông hay lam, hay làm, không ngại khó, ngại khổ, không kể ngày hè oi bức hay mùa đông lạnh giá vẫn luôn đồng hành với cánh sinh viên chúng tôi. Giờ đây, cuộc sống ngày một khấm khá hơn, tôi không còn bắt gặp chú bán bánh mì có thói quen ăn trầu, luôn nở nụ cười thân thiện nữa. Có lẽ, cũng bởi bánh mì Hà Nội không còn là đặc sản với người Thái Nguyên. Hơn nữa, đàn con của chú đã phương trưởng và người đàn ông ấy cũng đã già mất rồi…
Loáng một cái, gần 25 năm đã đi qua mà tôi cảm giác chỉ như một cái chớp mắt thôi. Nay, tôi đã là mẹ của chàng trai 18. Nó cũng mang trong mình những khát vọng của tuổi trẻ như tôi thuở trước; cũng ước muốn bay cao, bay xa tới những phương trời mới nhưng “chàng trai của tôi” không đi trên những chuyến tàu để về với mái ấm của mình nữa... Tuyến xe ô tô chất lượng cao, chạy từ Hà Nội về Thái Nguyên chỉ mất hơn một giờ đồng hồ sẽ thu hút giới trẻ hơn những chuyến tàu chạy vài giờ đồng hồ…
Lòng tôi chợt bâng khuâng nhớ những về chuyến tàu xưa. Thời ấy, mỗi chuyến tàu mang theo tình yêu thương của những bậc mẹ cha, là sự nhung nhớ khôn nguôi mong ngóng những đứa con trở về; thể hiện khao khát, ý chí vươn lên của những người con nơi miền quê nghèo phố núi… Còn hôm nay, mỗi chuyến tàu lại mang theo hoài niệm và ký ức tươi đẹp của biết bao thế hệ người dân Thái Nguyên về những ngày tháng đã xa…