Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (T.P Thái Nguyên) là một điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh về chất lượng phục vụ và tính độc đáo của điểm đến. Trước kia, trung bình mỗi ngày Khu bảo tồn đón tiếp hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến khám phá đời sống sinh hoạt và các sản phẩm văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số nơi đây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng du khách đến với Khu chỉ còn lác đác. Lượng du khách giảm thì doanh thu sụt giảm kéo theo thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng là nguyên nhân khiến khoảng 30 người lao động ở đây nghỉ việc từ đầu năm 2020 tới nay.
Bà Lý Thị Chiên, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cho biết: Hiện tại, trên 30 hộ cư dân bản làng Thái Hải tập trung sản xuất nông nghiệp, làm thuốc Nam, làm chè, sản xuất nước tinh khiết để bù lại nguồn thu từ du lịch trải nghiệm, lưu trú sụt giảm mạnh.
Cũng như Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Công ty CP Thương mại Vận tải và Du lịch Khánh Thịnh (phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên) cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19 nên 5 tháng đầu năm, chúng tôi không có khách đặt tour du lịch. Nỗ lực mãi, đến tháng 6 và 7 chúng tôi ký kết được 25 tuor du lịch chủ yếu đưa khách đến Đà Nẵng, Nha Trang, Thanh Hóa vào tháng 8 nhưng đến nay, tất cả khách hàng đều hủy tour đã đặt.
Do dịch bệnh xảy ra đúng vào thời gian cao điểm mùa du lịch, nên cùng với hai đơn vị nói trên, hơn 30 công ty kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng trong tháng 8, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ địa bàn tỉnh xác nhận tỷ lệ khách du lịch huỷ phòng đến 90%, còn các đơn vị lữ hành cho biết khoảng 85% khách huỷ tour và yêu cầu hoàn lại tiền 100%.
Ông Trần Mạnh Huyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Yêu cầu hủy tour, hủy phòng đã đặt của du khách là chính đáng nhưng việc hoàn trả tiền đặt cọc giữa doanh nghiệp và khách hàng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi khi khách mua mua tour, doanh nghiệp cũng phải ứng một phần tiền với các bên cung ứng dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn... Vì vậy, khi khách muốn hoàn 100% tiền, doanh nghiệp không có khả năng để hoàn tiền do đã cạn kiệt dần “nội lực” từ đợt dịch lần trước. Do đó, hai bên cần có sự hợp tác chia sẻ hoặc lùi thời gian, chuyển sang các tour mới thích hợp.
Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Từ đầu năm tới nay, tất cả hoạt động liên quan đến du lịch, như: Lữ hành, điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, điểm di tích lịch sử, các dịch vụ bổ trợ… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Điều đó khiến các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoặc thu gọn quy mô hoạt động, dẫn đến người lao động cũng bị tạm dừng việc, giảm thu nhập. Bên cạnh đó rất nhiều hoạt động hỗ trợ bị ảnh hưởng theo như vận tải, nông nghiệp, thương mại... Do vậy, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên chỉ đạt 21% kế hoạch năm và chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Điều này khiến doanh thu từ du lịch cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt 80 tỷ đồng bằng 35% kế hoạch năm.
Nói về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước, trước mắt chúng tôi tiếp tục đánh giá chi tiết tình hình thiệt hại, tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về giảm tiền điện, nước, thuê đất... cho doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh nghiên cứu, tham mưu một số giải pháp có thể làm ngay sau khi kết thúc đại dịch như: Tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá để thu hút du khách trở lại; làm mới sản phẩm du lịch; xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”.