Cập nhật: Thứ năm 20/08/2020 - 18:19

Theo đánh giá thực tế, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Thái Nguyên thời gian gần đây có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu điện tử hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Vậy, kết quả của sự chuyển biến tích cực này như thế nào?

Hiện nay, toàn bộ các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều đã áp dụng một cửa điện tử để giải quyết các TTHC trực tuyến, góp phần công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu trong giải quyết TTHC kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Theo thống kê, có 20% TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 50% TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện được tổ chức thực hiện theo quy trình “4 tại chỗ” tại bộ phận một cửa. 100% các TTHC đều được thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp. Điều đáng nói là tỉnh đã triển khai giải quyết liên thông TTHC, nhất là thủ tục đất đai, chính sách xã hội, đầu tư, tư pháp… Riêng với lĩnh vực đất đai, các TTHC đều được liên thông giữa UBND cấp xã với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên - Môi trường cấp huyện. Từ đó, chấm dứt tình trạng cán bộ địa chính xã từ chối nhận hồ sơ TTHC của người dân.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC. Kết quả, năm 2019 và 7 tháng của năm 2020, tỷ lệ giải quyết các TTHC đúng hạn toàn tỉnh đạt trên 99%. Việc thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức khi có hồ sơ quá hạn, ghi sổ theo dõi một cửa, phiếu hẹn… được triển khai đúng quy định. Phần lớn cơ quan, đơn vị giải quyết chậm đều có văn bản xin lỗi rõ ràng và hẹn lại thời gian trả kết quả.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện niêm yết, công khai 100% TTHC tại bộ phận một cửa, trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tỉnh cũng đã công bố áp dụng 443 dịch vụ công mức độ 3 và 127 dịch vụ công mức độ 4, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục còn lại trong năm nay. Đã có 216 cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước thực hiện việc công bố Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2015…

Để công tác CCHC đạt hiệu quả cao nhất, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa các cấp. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 65 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 5.800 lượt học viên. Nội dung tập trung vào vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý nhà nước, kỹ năng thực thi công vụ. Trong đó có 7 lớp về công tác CCHC, giải quyết TTHC.

Như vậy, có thể khẳng định tỉnh ta đã thực sự cải thiện một bước công tác CCHC; hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cơ sở đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Trung ương và mục tiêu đề ra của địa phương.

Nguyễn San