NSND - Đạo diễn Trần Phương, sinh ra và lớn lên tại T.P Thái Nguyên. Năm 16 tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Sáu mươi năm trước ông đã là một diễn viên nổi tiếng với sự xuất hiện trong nhiều bộ phim truyện điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là nhân vật A Sử trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ” (năm 1959) là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Năm 1962 ông cùng Trà Giang đóng vai vợ chồng trong phim Chị Tư Hậu. Rồi tiếp theo là các phim nổi tiếng như Tiền tuyến gọi (1969), Biển gọi (1967)…. Sau đó Trần Phương chuyển sang làm đạo diễn. Từng đạo diễn các bộ phim: Mưa rơi trên thành phố, Dưới chân núi trắng, Tội lỗi cuối cùng, Hy vọng cuối cùng, Đứng trước biển, Hoàng Hoa Thám, Dòng sông hoa trắng, Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về... Riêng bộ phim Tội lỗi cuối cùng vào năm 1980 đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu trên cả nước, đem về cho Đạo diễn Trần Phương giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V.
Năm 2001, Đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu NSND. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.
Khi Đài Truyền hình Thái Nguyên sản xuất bộ phim truyện lịch sử “Dưới cờ phục quốc” cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Thái Nguyên (năm 2010), tôi là người viết kịch bản, NSND - Đạo diễn Trần Phương được Thái Nguyên mời tham gia với tư cách là cố vấn nghệ thuật.
Tuy NSND - Đạo diễn Trần Phương là người Thái Nguyên, lại rất nổi tiếng, nhưng đã từ lâu sinh sống, làm việc ở Hà Nội, và đối với điện ảnh, tôi là người ngoại đạo nên chỉ được gặp và trò chuyện với ông duy nhất một lần, cũng chỉ chừng dăm, mười phút (trong lúc ông đang chỉ đạo làm phim nên không nhiều thời gian rảnh rỗi). Nhưng chỉ với ít phút ngắn ngủi ấy, ông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trước hết, ông là một người vô cùng giản dị, dễ gần. Ông và tôi ở hai thế hệ xa nhau, tôi lại chưa có tên tuổi gì trong làng điện ảnh, nhưng ở ông không hề một chút kênh kiệu của một lão làng. Khi ấy, có một vài chi tiết của kịch bản hình như hơi làm khó cho đạo diễn, cần sửa lại, ông đã trao đổi với tôi trong không khí rất tôn trọng và bình đẳng. Ngày tham gia chỉ đạo nghệ thuật phim “Dưới cờ phục quốc” ông đã ở độ tuổi tám mươi nhưng còn khá khỏe mạnh.
Cuối năm ấy, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên đưa phim đi tham dự liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30 (năm 2010). Khi biết phim được Giải Bạc, NSND - Đạo diễn Trần Phương là người đầu tiên, với một tâm trạng hết sức hân hoan thông báo ngay với Nhà báo Hữu Minh lúc ấy đang là Giám đốc Đài. Đặng Tiến Sơn là đạo diễn phim “Dưới cờ phục quốc” đồng thời là học trò của ông hồi còn là sinh viên trường điện ảnh Việt Nam, nói với tôi “phim được giải, có khi bác Trần Phương còn vui hơn cả bọn mình”.
Năm sau, một hôm tôi nhận được một cú điện thoại lạ. Khi nhận điện thoại mới biết là của NSND - Đạo diễn Trần Phương. Sau vài lời hỏi thăm sức khỏe, ông bảo vừa đọc xong kịch bản phim “Tình xứ Mây” do tôi chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ma Trường Nguyên. Ông khen kịch bản viết rất hay, có giá trị nghệ thuật cao, là dân ngoại đạo mà kịch bản có chất lượng cả về nội dung lẫn kĩ thuật điện ảnh. Không phải là người biên kịch điện ảnh chuyên nghiệp mà được một đạo diễn gạo cội của quốc gia khen như vậy quả là vô cùng sung sướng. Tôi nói kịch bản ấy đã được Bộ Văn hóa trao giải nhưng để sản xuất thì không có cửa nào cả. Bác tỏ ra rất tiếc và nói rằng ở Việt Nam có nhiều lí do chủ quan, khách quan, chuyện ấy xảy ra không ít, đó cũng là điều rất đáng buồn. Sau đó ông bảo thử trao đổi với Hữu Minh xem có làm được không? Nếu cần, ông sẵn sàng lên giúp, không vì cát - sê, mà chỉ vì quê hương Thái Nguyên thôi. Những lời của ông làm tôi vô cùng cảm động. Nhưng rồi phim “Tình xứ Mây” cũng không được sản xuất, có lẽ vì Thái Nguyên ngày ấy đang chuẩn bị cho một vài bộ phim truyện quan trọng, mang tính lịch sử nên không thể có kinh phí để làm những bộ phim khác. Tuy điều mong của ông và tôi không thành nhưng kỷ niệm ấy đối với tôi đã như một dấu ấn tươi đẹp trong cuộc đời viết phim ít ỏi của mình.
Ngay sau khi nhận điện thoại của Nhà báo Hữu Minh, tôi đã dừng tất cả mọi công việc, dù cũng rất gấp gáp để viết bài viết ngắn này, coi như một nén hương tưởng nhớ đến một nhà điện ảnh lớn, hơn thế, với riêng tôi, là một con người giản dị và đầy mến mộ, nhưng nếu ai chỉ gặp một lần cũng không thể nào quên.