Trước nay không ít người nghĩ, trại sáng tác thiếu nhi là dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Quan niệm gần như mặc định này là do từ khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (VHNT), việc mở trại sáng tác luôn phân định rạch ròi về chuyên ngành: Trại Thơ, trại Văn, trại Mỹ thuật, trại Nhiếp ảnh... Về lứa tuổi thì phân định: Trại người lớn và trại thiếu nhi.
Trong 33 năm qua, thời gian đầu, Hội VHNT tỉnh liên tục mở các trại viết/vẽ dành cho thiếu nhi. Mô - típ tổ chức gần như bất di bất dịch là: Tập trung các cháu tại một điểm, mời một số tác giả có kinh nghiệm viết cho thiếu nhi đến trao đổi phương pháp sáng tác, đọc thơ (văn) của họ cho các cháu nghe; dành thời gian vài ngày cho các cháu viết/vẽ, sau đó thu tác phẩm. Sẽ có buổi công bố tranh (nếu là trại vẽ), buổi tổng kết cũng là buổi đọc, bình thơ (văn), nếu là trại văn học. Lứa tuổi tham dự trại khoảng từ 15 tuổi trở xuống. Nhưng rồi bẵng đến hàng chục năm, không rõ vì lý do gì, Hội không tổ chức trại sáng tác cho thiếu nhi. Hai năm gần đây, Trại được mở lại. Riêng năm nay, Trại thiếu nhi “phá vỡ” mô-típ của nhiều năm trước, tìm hướng đi mới và lạ. Giữa tháng 8 -2020, Hội đã tổ chức một trại thiếu nhi đặc biệt nhất từ trước đến nay: Lứa tuổi dự trại không giới hạn. Miễn là người đó yêu thích và có khả năng sáng tác văn học thiếu nhi.
Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh: Điều cuối cùng ở tất cả các trại sáng tác là có được tác phẩm giá trị. Vậy tại sao cứ nghĩ thiếu nhi viết cho thiếu nhi, người lớn viết cho người lớn? |
Trên văn đàn Việt Nam, có hàng trăm người lớn (tạm tính từ 30 tuổi trở lên) viết cho trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống), chiếm số đông so với trẻ em viết cho chính lứa tuổi của mình. Có thể kể đến những nhà văn lừng danh như: Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Phong Thu, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều… Nước ta có hẳn một nhà xuất bản (NXB Kim Đồng, thành lập năm 1957) chuyên xuất bản sách cho trẻ em. Điều đó cho thấy nhu cầu đọc sách của trẻ em Việt Nam rất lớn. Với Thái Nguyên khoảng chục năm nay, không xuất hiện tác giả người lớn nào viết cho trẻ em, cũng không phát hiện tác giả nào là trẻ em viết cho trẻ em. Ở thời điểm hiện tại, Thái Nguyên trống vắng người viết, thảng hoặc một vài tác giả ngẫu hứng “ghé bút” qua, chứ không có ý định “kết duyên” lâu dài ở mảng văn học này.
Trưởng thành từ các trại sáng tác thiếu nhi những năm 1990, một số tác giả được kỳ vọng như: Dương Thu Hằng, Vũ Tú Anh, Vũ Quỳnh Hương... Nay, họ xác lập tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, không ai theo đuổi văn chương.
Có lẽ vì thế, văn học thiếu nhi thường vắng bóng trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh. Đó là những lý do để Trại sáng tác văn học thiếu nhi năm nay có mặt cả người lớn tuổi và người ít tuổi. Cao niên nhất là ông Nguyễn Anh Hòa (71 tuổi), nhỏ nhất là cháu Nghiêm Minh Anh (13 tuổi). Nhiều cháu đã tiếp cận với văn chương như cháu Trần Gia Linh (14 tuổi), Thu Uyên (16 tuổi) có tác phẩm đầu tay từ học lớp 5; cháu Thanh Ngân (15 tuổi) đã viết 6 chương tiểu thuyết bằng tiếng Anh; cháu Triệu Hoàng Hiếu theo đuổi dòng văn học kỳ ảo; cháu Ái Trang liên kết với nhà xuất bản ra 2 tập sách…
Với khởi đầu đặc biệt nên trại liên tục có những diễn biến đặc biệt. Phải kể đến là phương pháp tiếp cận văn học. Ba nhà văn đến với Trại mang theo nguồn năng lượng khác nhau, nhưng đều là năng lượng phát hiện, tư duy và thể hiện đề tài. Tươi trẻ, gần gũi là nhà văn Phong Điệp và Thụy Anh. Không có khoảng cách giữa “cô giáo” và “học trò”, không có khoảng cách giữa nhà văn tên tuổi và tác giả chập chững. Mọi ý tưởng đều được trân trọng, mọi phản biện đều được ghi nhận. Các bài tập nhỏ, trò chơi vui nhộn đã gợi ra cách diễn đạt cảm xúc, cách quan sát, phát hiện đề tài, khắc họa nhân vật… những yếu tố quan trọng để tạo nên tác phẩm văn học và trở thành người viết chuyên nghiệp.
Khác hai nhà văn nữ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều lại truyền lửa đam mê sáng tác đến mọi người bằng những trải nghiệm của mình. Theo nhà văn, mọi thứ quanh ta đều chứa thông điệp, “cây đũa thần” luôn bên cạnh mỗi người. Ông chứng minh điều đó bằng tác phẩm “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya” ông mới xuất bản… Những chuyện tưởng như riêng tư trong một gia đình, như tại sao Mem gọi là ông nội mà Kya gọi là ông ngoại, vì sao có Rằm Trung thu, ai được gọi là cụ, là kỵ?... đã được ông thể hiện thành công. Theo Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mục đích của văn học là hướng cho trẻ tâm hồn trong trẻo, lớn lên thành người tử tế.
Ngoài ba ngày trao đổi trên lớp, các trại viên còn có hai ngày dã ngoại rất đặc biệt. Các địa điểm đoàn đến là điểm nhấn lịch sử của tỉnh như Đền Đuổm (Phú Lương), ATK (Định Hóa); điểm nhấn kinh tế như chè Khe Cốc (xã Tức Tranh), điểm nhấn du lịch như Thung lung Tình Yêu (xã Yên Lạc).
Làm nên một trại viết đặc biệt như thế, phải ghi nhận cách lên chương trình tỉ mỉ, tận tâm và cách tổ chức chu đáo của Hội VHNT tỉnh. Từ tìm giảng viên, địa điểm dã ngoại; đến cả những “tiểu tiết” như áo mưa, thuốc chống côn trùng… đều được chuẩn bị kỹ. Vì thế, không chỉ học để viết văn, các em còn được trang bị thêm kỹ năng sống, cách ứng xử và khả năng hòa nhập. Tâm trạng háo hức từ ngày mở trại vẫn không mất đi ở ngày kết thúc. Những e dè lạ lẫm ban đầu nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho ấm áp, mạnh dạn. Người lớn trở nên thơ trẻ hơn; trẻ em biết quý hơn tuổi thơ hồn nhiên của mình. Nhiều bạn đã đặt ra dự định sáng tác và xuất bản tác phẩm trong thời gian tới. Còn bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT - người khởi xướng mô hình trại đặc biệt này thì hy vọng tỉnh nhà sẽ hình thành được đội ngũ sáng tác văn học cho thanh, thiếu nhi.