Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du Đại thi hào Nguyễn Du từng làm quan ở Thái Nguyên
Cập nhật: Chủ nhật 27/09/2020 - 10:03
Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh.
Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Hà Tĩnh.

Chúng tôi nhận được lời mời của Hội Kiều học vào Hà Tĩnh dự các hoạt động tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (16-9 Âm lịch). Ký ức về những ngày làm phim tài liệu 4 tập về Đại thi hào có tên “Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du” tưởng như đã lắng sâu, lại dội về. Trong thời gian làm bộ phim ấy chúng tôi biết việc Nguyễn Du làm quan ở thái Nguyên…

Năm 2015, đi nhiều nơi nghiên cứu để làm 4 tập phim tài liệu về Nguyễn Du nhân 250 năm ngày sinh (23/11/1765 Âm lịch), chúng tôi biết việc mấy năm Nguyễn Du làm quan ở Thái Nguyên. Sử sách còn ghi, ông tổ họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh là Nguyễn Thiến, đỗ Trạng nguyên dưới thời nhà Mạc (1532), sau theo giúp nhà Lê, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lại, Đông các đại học sĩ, được phong tước  Qụân Công. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, đến nay dòng họ này đã gần hai chục đời. 

Họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Về quan lộ có Nghị hiên công Nguyễn Nghiễm (1708-1776). Ông làm đến chức Tể tướng trong triều và có gần năm thập kỷ hoạt động trên chính trường Lê - Trịnh. Người nối tiếp, góp phần làm cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt và được biết đến như một dòng họ văn hóa ở Thăng Long là người con trai trưởng tên Nguyễn Khản (1734-1786). Nguyễn Khản đậu tiến sĩ năm 1760 và được cha mình, Nguyễn Nghiễm cài hoa lên mũ trước triều đình. Đây được xem là một hiện tượng văn hóa hiếm có trong lịch sử. Nguyễn Khản là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du, cũng là người có ảnh hưởng lớn đối với Nguyễn Du. Nguyễn Khản nổi tiếng học giỏi, tài hoa nên không những được chúa Trịnh Sâm chọn làm cận thần, giúp việc dạy dỗ cho thái tử mà còn đối đãi với ông như bạn. Từ Thượng thư bộ Lễ, ông được thăng Thập Nhị Tham Tụng tức là chức Tể tướng sau những biến cố lớn xảy ra. Về Văn chương thơ phú thì dòng họ Nguyễn Tiên Điền có Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành với nhiều tác phẩm văn chương thực sự giá trị.

Như vậy, vốn từ làng quê Tiên Điền ra Thăng Long, đỗ đạt, làm quan và thành danh ở đó, Nguyễn Nghiễm rồi Nguyễn Khản, Nguyễn Du và con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền đều gắn bó sâu đậm với triều đình Lê Trịnh và kinh đô Thăng Long và có một nền tảng văn hóa sâu dày từ môi trường văn hóa xứ kinh kỳ đô hội.

Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), tại phường Bích Câu, thành Thăng Long (Hà Nội). Tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Mẹ Nguyễn Du là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, tên là Trần Thị Tần, quê xã  Kim Thiều, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm Quý Mão (1783), 18 tuổi, Nguyễn Du ra Sơn Nam (Nam Định) dự kỳ thi Hương và đậu Tú tài. Ngay sau khi đỗ Tú tài, Nguyễn Du đã khởi đầu quan lộ với một chức quan võ ở Thái Nguyên…

Sau khi Nguyễn Nghiễm mất, Nguyễn Khản vẫn được xem là một trọng thần được chúa Trịnh Sâm quý mến. Đến khi Trịnh Sâm chết (1782) phe Trịnh Khải dựa vào đám quân Tam phủ giết Hoàng Định Bảo, hạ ngục Đặng Thị Huệ giành lại quyền hành. Mùa Thu năm 1783, Nguyễn Khản được triệu về kinh nhậm chức Tể tướng, giao lĩnh (Chỉ đạo tầm xa) trấn thủ Trấn Thái Nguyên kiêm Đông lý cương sự (việc biên cương) xứ Hưng Hoá. Nguyễn Khản lo lắng cho người em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Du nên cho Nguyễn Du làm Chánh thủ hiệu, chỉ huy một đội quân ở Trấn Thái Nguyên. Phụ giúp Nguyễn Du phụ trách đội quân hùng hậu nhất bấy giờ còn có người em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Khản, Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh. Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, so sánh, các nhà nghiên cứu, những người đam mê tìm hiểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã hình dung về bước mở đầu này của Nguyễn Du qua Bức thư của người anh Nguyễn Khản được viết bằng chữ Nôm cho Nguyễn Du như sau:“Gửi hiền đệ Bảy! Đệ sớm về Bích Câu để lên Thái Nguyên. Huynh đã thu xếp cho đệ một chức quan nhỏ trên đó. Cũng đã đến lúc phải tuân theo lễ xuất xử rồi”. Đây cũng là tư liệu quý và cũng là một sở cứ khẳng định Nguyễn Du từng làm quan ở Thái Nguyên.

Đền Cấm, xã Yên Đổ (Phú Lương) là ngôi đền cổ, vừa mang dáng dấp ngôi nhà sàn của người dân khu vực trung du miền núi, lại vừa giống một điếm canh của người dân miền xuôi. Tục truyền đây là nơi thờ cha nuôi của Chánh thủ hiệu Thái Nguyên, Nguyễn Du. “Không ai chắc chắn Nguyễn Du thường xuyên đến ngôi đền thờ cha nuôi của mình hay không, nhưng chắc chắn, đền Cấm là một địa điểm quan trọng khi nhắc đến Nguyễn Du trong khoảng thời gian ông gắn bó với Thái Nguyên” (Lời Thủ nhang đền Cấm). Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng: Chính vì cửa ngõ kinh kỳ có vị trí chiến lược quan trọng nên các triều đại phong kiến Việt Nam thường cử những người tài giỏi, đỗ đạt cao về làm quan trấn trị. Có thể kể đến các tướng lĩnh tài ba như Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Lê Lôi hay các nho sĩ nổi tiếng, như Lê Hữu Kiều, Bùi Sỹ Tiêm, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Du… Chọn đưa em mình, một người có thực tài, có tâm quản lý đội quân một vùng cửa ngõ của kinh  kỳ, cho thấy tầm nhìn thao lược của Nguyễn Khản, vừa trọn việc nước, vừa vẹn đạo nhà. Về việc Nguyễn Du  làm Chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên được khẳng định trong mối quan hệ với cha và anh đều là Tể tướng, thượng thư đương triều.

Qua các tư liệu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du, thì hình dung về một ông quan võ thích văn ngày ấy thích uống trà, đọc sách suy tư hơn là chỉ huy quân lính suốt ngày tập trận đánh gươm là hình dung  được xem là hợp lý. Nhiều tài liệu đã viết: Ngoài giờ làm việc Nguyễn Du hay trò truyện với những người dưới quyền, lúc đầu có người cũng tỏ ra coi thường vị tân quan còn quá trẻ, có gia đình thanh thế, sau đó họ rất quý mến ông, thường tâm sự với ông về hoàn cảnh gia đình, kể cho ông nghe về phong tục tập quán của người Tày, Nùng ở địa phương. Những buổi chiều hè, Nguyễn Du thường cưỡi ngựa đi dạo, ngắm nhìn phong cảnh núi đồi, làng bản miền sơn cước. Có lúc ông ngồi đọc thơ Ngô Thì Sĩ viết về Thái Nguyên… Có lẽ, những ngày làm quan ở Thái Nguyên đối với Nguyễn Du là những ngày ảm đạm. Song bù lại, ở Thái Nguyên ông được ngắm cảnh núi rừng và có thú vui mới là uống trà mạn. Thưởng thức một chén trà mạn Tân Cương khi buổi sớm, lúc đêm về, giúp ông có thêm cảm hứng với câu chữ.  Đây cũng là thời gian Nguyễn Du suy ngẫm về thế thái nhân tình, rối ren triều chính, về thân phận con người, đặc biệt là thân phận phụ nữ từ chốn kinh kỳ đến miền thôn dã.

Thời gian Nguyễn Du gắn bó với Thái Nguyên khoảng vài ba năm, cũng là rất ngắn so với cuộc đời không dài của ông, song đó là giai đoạn có mà lịch sử đất nước có biến động lớn, gia đình, dòng họ cũng có những biệt ly, cách trở và bản thân Nguyễn Du cũng có những bước ngoặt trong sự nghiệp, trong tâm hồn. Từ một thư sinh nho nhã văn chương, tuổi còn rất trẻ, ông trở thành Chánh thủ hiệu một đội quân hùng hậu, phục vụ cho một triều chính rối ren, lòng người khó đoán. Thái Nguyên chắc hẳn sẽ nơi để lại trong Đại Thi hào những kỷ niệm, nhận thức và dấu ấn khó phai.

Hữu Minh-Lê Nhung
(T.P Thái Nguyên)