Đề tài lịch sử chiếm ưu thế
Từ xưa đến nay, tiểu thuyết luôn được coi là “cỗ máy cái” của mỗi nền văn học và cũng có nhiều người cho rằng, thời đại chúng ta đang sống với rất nhiều biến cố, đổi thay của đời sống xã hội chính là thời của văn xuôi, của tiểu thuyết. Vì thế, cuộc thi tiểu thuyết 2016-2020 của Hội Nhà văn Việt Nam đã thu hút được sự hưởng ứng của rất nhiều cây bút, với gần 200 tác phẩm dự thi. Kết quả có 25 tác phẩm được trao giải thưởng và tặng thưởng.
Điểm nổi bật của cuộc thi lần này chính là đề tài lịch sử. Các tác phẩm viết về lịch sử và chiến tranh cách mạng trở thành tâm điểm của cuộc thi này. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, những tiểu thuyết được trao giải như “Từ Dụ Thái hậu” của Trần Thùy Mai, “Chim bằng và nghé hoa” của Bùi Việt Sỹ, “Hùng binh” của Đặng Ngọc Hưng, “Thị Lộ chính danh” của Võ Khắc Nghiêm, “Gió Thượng Phùng” của Võ Bá Lường, “Đường về Thăng Long” của Nguyễn Thế Quang, “Cuốn gia phả thất lạc” của Hồ Sỹ Hậu, “Quay đầu lại là bờ” của Hữu Phương, “Mệnh đế vương” của Trương Thị Thanh Hiền, “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn… là những tác phẩm có khả năng lấp những khoảng trống về lịch sử. Hơn thế nữa, còn có khả năng “khâu lại quá khứ”.
Là thành viên ban giám khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Đây là một mùa bội thu về tiểu thuyết. Đề tài lịch sử thực sự nổi bật và đạt những thành tựu. Có thể kể đến tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai. Đây là cuốn sách đáng đọc bởi sự cẩn trọng, nghiêm túc, chỉn chu của tác giả - một người phụ nữ Huế tinh tế và thông minh. Những tác phẩm khác viết về lịch sử được trao giải lần này cũng đáng đọc như: “Thị Lộ chính danh” của Võ Khắc Nghiêm, “Đường về Thăng Long” của Nguyễn Thế Quang, “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn. Suốt mấy năm chấm giải, Ban giám khảo đã rất công tâm, tận tụy và chính xác để tìm ra những người xứng đáng”.
Nhà phê bình văn học Tôn Phương Lan đánh giá: “Điều tôi quan tâm nhất là sự kết nối lịch sử đa chiều và thống nhất, thể hiện sự bứt phá về cách nhìn, sự cách tân và chất lượng ở một số tác phẩm khá nổi bật. Đội ngũ tác giả tham dự phần lớn là những tác giả thâm niên trong nghề, cũng có những tác giả mới xuất hiện nhưng đã chứng tỏ sự chững chạc, thể hiện một cách tốt nhất những vấn đề về cuộc sống và con người đang đặt ra trong xã hội đương đại”.
Để sự kiện, nhân vật lịch sử được sống đúng thời đại
Vì sao tác phẩm viết về lịch sử và chiến tranh trong cuộc thi này lại thu hút Ban giám khảo và công chúng? Phải chăng cuộc sống thời hiện đại đang đòi hỏi tinh thần “ôn cố tri tân”, có thể tìm thấy trong quá khứ những câu trả lời cho các vấn đề của đời sống hôm nay. Lịch sử và cái nhìn mới qua nhân vật vừa tạo dựng lại diện mạo lịch sử của một thời khá bề thế, vừa phục dựng lại nhân vật theo một cách nhìn nhân văn, khoáng đạt hơn.
Chiến tranh và cách mạng cũng được quan tâm sâu sắc, như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, vấn đề ở Trường Sa, Hoàng Sa… Điều đáng ghi nhận là vai trò của tư liệu lịch sử, đã đưa ra được cái nhìn mới về diện mạo chiến tranh vào thời điểm đó. Điều này cũng cho thấy khi không còn vùng cấm, sức sáng tạo của nhà văn được khơi thông, hứa hẹn đời sống văn chương có những tiềm năng mới. Tiếp tục đổi mới về phương diện nghệ thuật, các nhà văn đã nhìn lịch sử, chiến tranh ở góc độ con người và có những đánh giá khách quan hơn. Nhà văn Thiên Sơn, tác giả đoạt giải 3 cho rằng: “Đối với đề tài lịch sử, điều quan trọng nhất của người cầm bút đó là không phải viết lại lịch sử mà phải có những đánh giá, bình xét khách quan để sự kiện, nhân vật được sống đúng thời đại, thông qua cái nhìn nhân bản và sáng tạo của nhà văn”.
Có thể điểm qua những tác phẩm đoạt giải để chúng ta có những cảm nhận rõ ràng hơn. Hình ảnh những vương triều với những lo toan quốc sự trước nạn ngoại xâm (Từ Dụ Thái hậu, Mệnh đế vương, Ngô vương) được tái hiện với hào khí giữ nước, hình ảnh của các danh nhân mà trí tuệ của họ làm nên một thời đại văn hóa và cả những bi kịch lịch sử của thời đại họ sống. Sự tiếp biến mạnh mẽ nhất là những tác phẩm viết về người lính trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Những cuốn tiểu thuyết như Hùng binh, Gió Thượng Phùng, Gió xanh, Nhốt con chim bắt cô, Đường 19… vẫn là những khúc ca anh hùng thời đại. Thêm nữa, các tác phẩm viết về những tiêu cực và bi kịch trong cuộc sống hôm nay vẫn mạnh mẽ và sâu sắc như trước, đó là biểu hiện thái độ công dân của nhà văn trước cái xấu, cái ác của đời sống, trước những vấn nạn xã hội.
Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 tuy đã đạt những thành tựu nhất định, đáng lạc quan và tin tưởng, song để có sự bứt phá về nghệ thuật tiểu thuyết như một bước tiến, đòi hỏi phải có thêm thời gian đọc được nhiều hơn, kỹ hơn. Chúng ta hy vọng sau cuộc thi lần này không chỉ nối dài đội ngũ, mở rộng đường biên mà còn thể hiện những tìm tòi nỗ lực của các nhà văn trong ý thức cách tân nghệ thuật. Tương lai của tiểu thuyết sẽ đem đến cho chúng ta niềm tin, hy vọng về xu thế phát triển bền vững trong dòng chảy văn học Việt Nam./.