Cập nhật: Chủ nhật 20/12/2020 - 10:09
Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Chú Bé chưa từng có vợ. Chú hơn tôi hai mươi tuổi. Từ ngày mẹ qua đời, chú ở một mình. Người làng thì thào: “Thằng Bé pê đê”. Chỉ tôi hiểu chú Bé hơn ai hết. Chú rất “chuẩn men”. Ngoài hình thức bề ngoài cân đối, rất đàn ông, chú còn có tài đánh đàn ghi ta và giọng hát hay từng làm không ít cô mê mẩn.

Chủ nhật, tôi sang nhà chú hàn huyên. Có nhiều chuyện chú chỉ tâm sự với tôi chứ không hé răng cho bất kỳ ai. Với lại, tôi thích ca nhạc. Những đêm trăng được nghe chú hát quan họ thì hết chê. Nhưng hôm nay, tôi vào thẳng vấn đề:

- Cháu hỏi thật, sao chú vẫn chưa lấy vợ? 

Chú ngước mắt lên ban thờ, nơi có tấm ảnh của người mẹ đã khuất: - Thú thật, chú cũng muốn lắm nhưng chưa tìm được. 

Thấy chú bộc bạch, tôi vội nói: - Trời đất! Tưởng chú không thích lấy vợ vướng víu cuộc đời, chứ đàn ông như chú tìm vợ có khó gì. Việc này chú cứ để cháu lo.

Tôi đưa ra các phương án rồi giao hẹn: - Ở nhà gọi chú cháu nhưng đi tán gái, cháu gọi chú bằng anh cho trẻ.

Chú cười: - Ừ! Gọi là anh cũng được, nhưng phải nói là đi tìm một nửa của mình chứ ai lại nói là đi tán gái nghe nó thô quá.

Tôi phì cười vì tính khí cổ lỗ và ngôn ngữ hơi cải lương của chú. 

- Vâng, thì… đi tìm một nửa của mình. Thế chú muốn “một nửa” là cô giáo, bác sĩ hay kỹ sư nông nghiệp?

Sau một hồi suy tính, tôi và chú quyết định vào trường Y. Chú đồng ý ngay, bảo rằng với tình hình thực phẩm thiếu an toàn như ngày hôm nay, lấy vợ ngành Y là đắc sách.

Hôm sau tôi sang nhà chú, tôi nói: - Đến đấy cháu giới thiệu thế nào chú cũng ngồi im nhé.

Chú khẽ cười: - Được! Nhưng nói năng phải đúng mực. Điều quan trọng nhất là phải lấy sự đúng mực làm gốc.

Tôi nhịn cười. Trời ơi! Đi tán gái mà cứ làm như đi dự hội nghị những tấm gương đạo đức không bằng. Ừ, thì ai chẳng biết chuyện yêu đương là phải ngay ngắn, nhưng tôi thấy ở đời, những người ế chỏng, ế chơ lại thường là những người đạo mạo chứ không phải những người lẳng lơ.

Chú cháu tôi lên đường.

Các cô gái trường y đón tiếp chú rất vui vẻ. Hẳn là cái dáng bên ngoài khá… hoành tráng của chú đã phần nào làm các em ưng ý. Vậy mà ngồi trong phòng ký túc tôi thấy mặt chú Bé lúc đỏ bừng, lúc tái đi. Tôi đưa mắt nhìn, nhận thấy các em ăn mặc khá sex. Em váy ngắn, em quần soóc nhưng đều ở dạng kéo lên thì hở mông kéo xuống thì hở rốn, áo ba lỗ thì cổ rộng lấp ló “núi đôi”...

Ngồi một lúc, bỗng chú Bé đứng bật dậy chào mọi người rồi đi thẳng ra cửa như bị ma đuổi. Tôi vội vàng chạy theo. Ra đến cổng tôi thấy chú thở đánh phào một cái như người vừa thoát chết.

Chú lắc đầu nói một mình: - Ghê quá… rác mắt, rác mắt…

Tôi hiểu mọi chuyện, lựa lời: - Gái trường y mà chú. Với lại thời buổi bây giờ…

Tôi nói thế nào cũng không lay chuyển nổi, đành chuyển hướng: - Thôi, bây giờ còn sớm, chú cháu ta tạt sang trường nông lâm.

Hai chú cháu lại tất tả ra đi.

Nhưng vừa mới bước chân đến hành lang ký túc xá, chú sững lại, quan sát một hồi rồi quay sang kéo tay tôi lôi tuột ra ngoài. Về đến nhà, tôi thắc mắc hỏi chú: - Sao mới đến hành lang chú đã lôi cháu về? Vào đấy nhỡ có em nào hợp thì sao?

- Hợp… hợp cái gì! Cháu không nhìn dọc hành lang trước cửa ký túc à, con gái gì mà chẳng có ý tứ, nội y giăng ra khắp cửa. Mẹ chú bảo, khi đi tìm vợ, đến nhà chỉ cần nhìn vào cái sào phơi quần áo là biết ngay người nết na hay không.
Nhìn vẻ mặt vừa trang nghiêm vừa đau khổ của chú, tôi vô cùng ngao ngán nhưng chẳng biết nói sao.

 * * *

Tôi nghĩ, tính nết như chú, chắc chỉ hợp với nghề giáo. Tôi quyết định dẫn chú đến trường sư phạm.

Ở trường sư phạm tôi và chú cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Vào đến nơi tôi trịnh trọng giới thiệu: - Đây là anh Bé, bạn anh, đang phụ trách mảng văn hóa văn nghệ xã.

Tôi vừa dứt lời, cả phòng đã ầm lên: - Hay quá! Anh hát cho bọn em nghe đi. Bọn em thích nghe hát lắm.

Tôi đưa tay chém gió: - Hát mà không có đàn thì khác nào ăn nem mà không có lá sung.

- Có ngay… Có ngay. Để em sang phòng nam mượn đàn - Một cô nhanh nhảu nói.

Một loáng, cô gái đã vác đàn về.

Tôi vội “tiếp thị”:  - Em nào hát với anh Bé nào?

Cả đám nhao nhao: - Cái Na…. Cái Na! Nó hát quan họ hay lắm.

Cả bọn đẩy từ trong góc gường ra một cô gái. Thoạt nhìn tôi đã thấy Na đúng là đối tượng của chú Bé. Na thoáng đỏ mặt, đưa mắt nhìn chú Bé: - Em chỉ biết hát quan họ thôi.

- Ôi! Quan họ thì quá hợp với anh Bé rồi - tôi vui vẻ nói. 

Thế rồi tiếng đàn, tiếng hát vang lên như quyện lấy nhau. Cả phòng lặng đi. Bước đầu thế là thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi. Lúc ra về, Na tiễn chúng tôi đến tận chân cầu thang.

Rồi dăm bữa nửa tháng sau đó, anh chị có vẻ ăn ý. Chú Bé đã đưa được Na về nhà. Anh chị dập dìu đưa đón trong sự xôn xao của cả xóm.

Bẵng đi một thời gian tôi phải ôn thi nên không có thời gian để mắt đến mối tình của chú Bé và Na. Hôm thi xong tôi vội vã phóng về, chủ yếu xem mọi chuyện tiến triển đến đâu.

Đến cửa, tôi vội hỏi: - Chú Bé ơi, bao giờ cho cháu ăn kẹo đấy? 

Chú đón tôi bằng vẻ mặt rầu rĩ: - Hỏng rồi!

- Sao? Na từ chối à?

- Không phải Na, mà là chú.

- Sao lại là chú? Con bé ấy hình thức ngon lành, lại hiền thục nết na...

Chú Bé đứng dậy dắt tay tôi đến chiếc ghế đôn cạnh bàn, nhấc chiếc ghế lên: - Cháu nhìn đi.

Tôi mở căng mắt nhưng chẳng nhìn thấy gì, ngoài mấy cái vụn giấy kim tuyến.

- Có gì đâu chú, chỉ là mấy cái vụn giấy...

- Thì chính là những cái vụn giấy ấy đấy.

Tôi vẫn không hiểu. Chú Bé ngồi xuống ghế chậm rãi nói:

- Ngày mẹ chú còn sống, bà bảo “người phụ nữ con chọn làm vợ điều đầu tiên là phải biết quét nhà sạch”.

- Ôi giời! Tưởng gì to tát chứ quét nhà sạch thì ai mà chẳng làm được.

- Cháu lầm rồi. Ý mẹ chú không phải chỉ có vậy. Người quét được cái nhà sạch chính là người mang đầy đủ tính cách tỉ mỉ, chu đáo, gọn gàng, ngăn nắp. Nói tóm lại, đấy là người đủ kỹ năng làm vợ.

Nghe chú Bé nói, tôi ù cả tai. Nhìn điệu bộ ngơ ngác của tôi, chú giải thích thêm: - Những người không biết quét nhà thì chỉ đưa chổi qua những chỗ trống trên nền nhà thôi. Đó là những người hời hợt. Khi quét nhà phải biết nhấc các đồ vật ở dưới đất lên để quét sạch bên dưới rồi đặt đồ xuống. Vậy mới là người sâu sắc. Đấy mới là người vợ mà chú muốn tìm theo sự dạy bảo của mẹ chú.

Đến lúc này tôi mới hiểu, mấy cái vụn giấy kim tuyến chú bí mật ém dưới đáy chiếc ghế đôn kia là để thử thách Na và cũng chính là nguyên nhân chú dừng cuộc tình đi tới hôn nhân.

Tôi thốt lên:

- Trời ạ! Thời bây giờ mà chú săm soi như thế thì chỉ có đi hành tinh khác hoặc trở về thời trung cổ mà tìm vợ thôi.

 * * *

Tết Nguyên Đán năm nay tôi đưa vợ về thăm ông bà. Tối ba mươi Tết, tôi tranh thủ ghé thăm chú Bé. Bước tới hiên nhà, tôi nhìn thấy chú ngồi ật cổ trên chiếc ghế nhựa bên ban thờ, miệng ngâm nga mấy câu thơ, có lẽ cũng do mẹ chú dạy: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”. Cái bóng đơn độc, gù gù của chú hắt lên tường, trông thật tội nghiệp.

Đào Nguyên Hải